ClockThứ Năm, 16/07/2020 15:55

Nếu biết cách mở lòng...

TTH - Dù chỉ là “viết vội mấy dòng” sau khi “từ Laguna chạy về xem cái cầu Tràng Tiền sau 7 năm nó ra làm sao”, nhưng bài viết ngắn được đặt cái tên “Ám khí” của một nữ du khách trên mạng xã hội facebook, không ngờ đã tạo nên một cú sốc cho dư luận, với nhiều tiếng nói bất bình lẫn đồng tình. Du khách khen chê là chuyện bình thường, thậm chí cần được tôn trọng, vậy thì nữ du khách viết gì mà khiến cho dư luận bất bình như thế?

"Xanh những con đường, xanh cả lòng người" - Kỳ 1: Muốn xanh, sạch thì phải dọn rácCon người thanh nhã, xứ sở hạnh phúc

Dịu dàng Huế. Ảnh: DOÃN QUANG

Cảm nhận của nữ du khách sau 7 năm trở lại là “Huế càng ngày càng xập xệ”. Khói hương khắp nơi, bước chân ra đường là thấy chân nhang cắm vô tội vạ. Ngồi cafe thì nghe tiếng kinh cầu, vào quán ăn thì nuốt không trôi do bị ám bởi “âm khí nặng nề”. Vào lăng Minh Mạng thì thấy “khung cảnh thê lương”, do “con cháu thờ ơ chăm chút”. Và cuối cùng là một câu hỏi, như là một câu trả lời: “Huế còn lại gì ngoài di tích hoang tàn và những cơn mưa sụt sùi không ngớt?”.

Nếu đứng trên cầu Trường Tiền lúc này mà thấy Huế xập xệ thì quả là một nhận xét thật khó hiểu. Nếu đã đến Huế từ 7 năm trước, giờ quay lại mà thấy Huế “xập xệ hơn” thì càng khó hiểu hơn. Bởi vì, những bước chuyển mình và thay đổi của Huế đang hiển thị một cách rõ nét nhất chính ở hai bờ sông Hương. Dải công viên hai bờ sông đã được chỉnh trang đẹp đẽ, cây xanh và hoa nở bốn mùa, những con đường đi bộ lát đá và gỗ sạch sẽ, bờ sông Hương đã trở thành một không gian tràn đầy sức sống. Điều đó rất dễ dàng nhận thấy, dù chỉ bằng một cái nhìn rất nhanh, từ trên cầu Trường Tiền. Vì vậy, nhiều người ngạc nhiên tại sao người du khách ấy lại không cảm nhận được vẻ đẹp rất ấn tượng, một sự đổi thay rất dễ dàng nhận thấy của Huế.

Một vẻ đẹp đã từng phai nhạt đôi phần trong một thời gian dài, và đã được chăm chút trở lại rất kỹ lưỡng ngay trong những ngày này. Chiến dịch “Ngày Chủ nhật xanh” bền bỉ thực hiện trong suốt gần hai năm nay đã làm cho Huế sạch hơn rất nhiều, và bắt đầu làm thay đổi thói quen xả rác bừa bãi của người dân, một việc khó khăn mà nhiều đô thị ở Việt Nam vẫn chưa làm được. Vì vậy, nếu là người Huế đi xa trở về, hay du khách nhiều năm sau trở lại, hẳn là sẽ nhận thấy sự thay đổi này trước tiên.

Hai bờ sông Hương được chỉnh trang sáng - xanh - sạch hơn. Ảnh: HOÀNG HẢI

Có lẽ người khách này đã tự “ám thị” về Huế của những năm khó khăn, trì trệ, nên dù Huế có đang rạng rỡ với những cây phượng vỹ nở đỏ rực hai bờ sông Hương thì trong tâm trí của khách vẫn mặc định một hình ảnh Cố đô già nua cũ kỹ. Cũng vì vậy, nên dù có vào một quán ăn nổi tiếng của Huế vẫn “nuốt không được”. Với tâm trạng luôn tự thấy bị đè nặng bởi “âm khí nặng nề” thì làm sao có thể cảm nhận được sự yên tĩnh sâu lắng của không gian vừa thiêng liêng vừa thơ mộng của lăng tẩm các bậc tiền nhân ở Huế?

Câu chuyện của nữ du khách khiến tôi nhớ tới một du khách khác, đó là Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai 33 tuổi, đã chu du khắp thế giới trên chiếc xe máy mang biển số Việt Nam, vừa trở về nước hôm 17/6 vừa rồi. Khoa kể rằng, trước khi đến Ấn Độ, anh đã nghe nói rằng môi trường ở đó rất bẩn, xã hội đối xử tệ với phụ nữ và trẻ em gái... Nhưng khi đến đó rồi, anh mới hiểu câu chuyện ở tầng sâu hơn những thứ bề nổi mà ai cũng thấy. Sau một vòng chu du khắp thế giới, Khoa nhận ra sự khác biệt giữa các nền văn hóa chính là sự đa dạng văn hóa, cần được tôn trọng chứ không phải để phán xét.

Huế là vùng đất văn hóa, mang trong mình những giá trị Việt, nhưng cũng có nhiều giá trị riêng biệt. Nếu nhìn cái khác biệt ấy là đa dạng văn hóa, bạn sẽ thấy mùi hương trầm của Huế rất khác, chứ không phải là “không hay ho, quyến rũ như Hội An” mà nữ du khách nọ đã viết.

Và cũng với tinh thần tôn trọng sự khác biệt, hãy đừng phản ứng gay gắt với người du khách ấy bằng những lời thóa mạ nặng nề. Nhận xét của người du khách ấy cũng là một cái nhìn khác biệt về Huế, dù đó là nhận xét cảm tính nhất thời và nặng nề định kiến. Là chủ nhân của thành phố du lịch, người Huế càng phải mở lòng để lắng nghe du khách, vì Huế vẫn còn không ít điều cần phải chấn chỉnh. Tình trạng cúng bái nặng nề, vàng mã cơm cháo áo nổ rải đầy đường, đám tang kéo dài cả tuần lễ, quán xá vỉa hè cũng cắm đầy chân nhang như người du khách này nêu ra, đúng là những hủ tục, là ám khí mà Huế cần phải tiêu trừ.

Cứ như thế, chủ và khách, cùng mở lòng ra thì ám khí sẽ tiêu tan. Lúc đó, bạn sẽ thấy, Huế không chỉ có “những di tích hoang tàn và những cơn mưa sụt sùi không ngớt”.

MINH DÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Âm nhạc “bắt tay” du lịch

Du lịch âm nhạc đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển ở nhiều quốc gia tại châu Âu và châu Á. Ở Việt Nam, xu hướng thưởng thức âm nhạc kết hợp với du lịch đang dần được công chúng đón nhận và Huế đã có nhiều động thái để phát triển loại hình du lịch này.

Âm nhạc “bắt tay” du lịch
Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo

Du lịch cộng đồng được xem là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Với nhiều tiềm năng, Thừa Thiên Huế cùng các địa phương có thể đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam.

Đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm chủ đạo
Return to top