Lực lượng chức năng cân tải trọng xe có biểu hiện chở quá khổ, quá tải
Tuy vậy, kể từ thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, nhiều hoạt động trên địa bàn tỉnh nhộn nhịp trở lại, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Tình trạng nhiều nam, nữ độ tuổi thanh thiếu niên tụ tập đánh võng, lạng lách trên các đường phố; nạn ùn tắc giao thông các ngã ba, ngã tư, trên một số cầu đường bộ, tại cửa ngõ bắc nam TP. Huế; trước cổng các trường học... vào các giờ cao điểm vẫn chưa giảm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tồn tại nhiều nguy cơ gây mất ATGT, như hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, còn một số “điểm đen” giao thông, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông chưa cao... Hơn nữa, trên địa bàn đang triển khai nhiều công trình trọng điểm; nhiều mỏ đất, đá đang hoạt động nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao; tình trạng xe tải chở vật liệu quá khổ, quá tải phóng nhanh trên các tỉnh lộ vào công trình xây dựng cao tốc Cam Lộ - La Sơn; đường Phú Mỹ - Thuận An, Phong Điền - Điền Lộc; cảng Chân Mây; khu dân cư mở rộng phía bắc Hương Sơ, TP. Huế... gây khói bụi, nguy cơ xảy ra TNGT rất cao. Thực tế này đòi hỏi các ngành chức năng cần phải có những giải pháp đảm bảo trật tự ATGT ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Theo ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, mục tiêu thực hiện Năm ATGT 2022 của Thừa Thiên Huế là nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn. Bám sát chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Thừa Thiên Huế phấn đấu năm 2022 TNGT giảm từ 5% đến 10% số vụ, số người chết và số người bị thương so với năm 2021.
Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT ngay từ cơ sở. Bên cạnh việc có biện pháp giải quyết các hạn chế tồn tại liên quan hạ tầng giao thông, ùn tắc giao thông thì việc xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATGT, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, như nồng độ cồn, ma túy, tốc độ… là rất cần thiết.
Để công tác giữ gìn trật tự ATGT đạt hiệu quả, ngoài sự ra quân của lực lượng chức năng thì việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, xử lý vi phạm liên quan đến giao thông cần được đẩy mạnh hơn nữa với những giải pháp đồng bộ, cụ thể và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT là do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông. Do đó, việc xây dựng văn hóa giao thông an toàn và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông sẽ là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong giữ gìn trật tự ATGT của Thừa Thiên Huế. Điều này không ai khác hơn đòi hỏi các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn tích cực phối hợp tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông vì mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân tham gia giao thông an toàn; đặc biệt là các dịp nghỉ lễ, gắn với phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền vận động người dân ven các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa chấp hành pháp luật ATGT, không vi phạm hành lang ATGT, không dựng rạp tổ chức đám cưới và các sự kiện trên lòng đường, chung tay bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông...
Bài, ảnh: MINH VĂN