ClockThứ Sáu, 08/09/2017 13:41

Người lao động vô tình thành “con nợ’’

TTH - Chủ doanh nghiệp nợ lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến người lao động (NLĐ) lao đao. Có người chuyển sang làm việc đến ba, bốn công ty nhưng vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm tại công ty cũ. NLĐ vô tình trở thành “con nợ” BHXH.

Người lao động ở Công ty Hoàng Đức yêu cầu đơn vị đóng BHXH . Ảnh: Đình Toàn

Quyền lợi thiệt thòi

Tình trạng doanh nghiệp nợ BHXH khá phổ biến và ngày càng phức tạp, nợ đọng kéo dài. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, 7 tháng đầu năm, các đơn vị trong toàn tỉnh nợ trên 130 tỷ đồng. Đáng lo là, nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn. Đây là dạng “nợ treo” hầu như không thể thu hồi và quyền lợi của NLĐ ở các doanh nghiệp này chưa được giải quyết.

Ông Ngô Thành Vinh, Phó Giám đốc BHXH TP. Huế, cho biết: "Về nguyên tắc, khi đơn vị không sản xuất, kinh doanh thì phải báo giảm lao động và phải đóng BHXH để chốt sổ cho lao động. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp “bán chui” các nhà xưởng, tài sản cho người khác để trốn nợ BHXH. Doanh nghiệp cũ “biến mất”, còn doanh nghiệp mới chối bỏ trách nhiệm về các khoản nợ BHXH. Từ đó, NLĐ vẫn trở thành “con tin” giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp".

Cuối năm 2016, khi Công ty CP Đông Ba phá sản, chủ sử dụng lao động bỏ trốn khiến 24 lao động chưa đóng BHXH lao đao. Ông Trần Lâm, nhân viên lái xe của Công ty CP Đông Ba, cho hay: "Hàng tháng, đơn vị vẫn trừ tiền lương của chúng tôi nhưng đến khi nghỉ việc mới tá hỏa khi gần 2 năm công ty không đóng BHXH. Tôi không được trả sổ BHXH để hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định... Tôi phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi”. Doanh nghiệp trốn đóng BHXH không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất, trợ cấp thất nghiệp... mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi hưu trí sau này.

Cơ quan BHXH chỉ mới xử lý, giải quyết được một phần của doanh nghiệp đang làm thủ tục hồ sơ giải thể, phá sản nhưng không có nguồn tài chính để thanh toán BHXH. Ông Trương Công Khả, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh, cho hay: "Với những doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, phá sản, BHXH  được phép chốt sổ đến thời điểm mà doanh nghiệp nợ để giải quyết quyền lợi cho NLĐ. Doanh nghiệp đóng được đến đâu NLĐ được chốt sổ đến đó, sang đơn vị mới đóng tiếp. Khi doanh nghiệp cũ nợ BHXH đóng được phần nợ còn lại cho NLĐ thì chúng tôi ghi bổ sung vào sổ. Còn đối với các đối tượng doanh nghiệp  phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… thì hiện vẫn rất khó xử lý".

Lao động ngại kiện doanh nghiệp ra tòa

Nguyên nhân nợ đọng BHXH lớn như hiện nay có từ nhiều phía, nhưng điểm chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của doanh nghiệp chưa cao. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH còn chưa nhiều và chưa đủ sức răn đe. Công tác hậu kiểm và khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH ra tòa còn nhiều vướng mắc do doanh nghiệp sau khi thanh tra, kiểm tra, xử phạt không liên lạc với cơ quan BHXH hoặc không còn khả năng thanh toán nợ BHXH. Có những vụ, tòa đã xử nhưng không thể thi hành án vì doanh nghiệp không còn tài sản.

Tính đến ngày 31/5/2017, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Đức nợ BHXH hơn 2 tỉ đồng. Nhiều lao động đã nghỉ việc hơn 4 tháng nhưng vẫn chưa được thanh toán BHXH. Thế nên, hơn 40 tài xế xe bus của Công ty đã tụ tập quanh trụ sở công ty, giăng băng rôn yêu cầu giải quyết chế độ BHXH, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp... Sau khi ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh khởi kiện đơn vị này ra tòa, Công ty Hoàng Đức phải trả khoản tiền BHXH gần 680 triệu đồng cho NLĐ.

Từ đầu năm đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thu về hơn 15 tỉ đồng trên tổng số hơn 50 tỉ đồng mà 50 doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT của NLĐ. Con số này có thể nhiều hơn nhưng việc khởi kiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do trình tự thủ tục phải theo quy trình tranh chấp lao động. Hơn nữa, ở nhiều nơi, vẫn có tình trạng công đoàn cơ sở không dám đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện. NLĐ lại càng không dám ủy quyền cho tổ chức công đoàn kiện chủ doanh nghiệp khi bản thân cần có công ăn việc làm.

Giải pháp trao sổ BHXH cho người lao động tự quản lý được đánh giá sẽ hạn chế được tình trạng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH. Việc tự quản lý sổ BHXH giúp NLĐ có cơ sở yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đóng BHXH kịp thời. Đồng thời, ngăn ngừa tình trạng NLĐ bị trích trừ tiền lương để đóng BHXH nhưng chủ sử dụng lao động không nộp tiền về cơ quan chức năng mà lao động không hay biết.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao

Làm việc trên cao luôn là một công việc nguy hiểm và đòi hỏi sự tập trung, kỹ năng và trang bị an toàn tuyệt đối. Hình ảnh những công nhân xây dựng, thợ sơn, hay nhân viên bảo trì mất thăng bằng, ngã từ độ cao có thể khiến nhiều người rùng mình. Những vụ tai nạn lao động đáng tiếc này không chỉ gây ra thiệt hại nặng nề cho nạn nhân và gia đình, mà còn gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, với một thiết bị bảo hộ lao động quan trọng như dây đai an toàn, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro tai nạn đáng tiếc.

Dây Đai An Toàn Bảo Vệ Người Lao Động Khi Làm Việc Trên Cao
Chủ động giám sát để bảo vệ người lao động

Chủ động kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa sai phạm và nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã và đang được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Phong Điền chú trọng.

Chủ động giám sát để bảo vệ người lao động
Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế:
Hấp dẫn giải cầu lông để rèn luyện sức khỏe

Tối 8/11, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế (ĐHH) tổ chức giải cầu lông viên chức, người lao động - năm 2024 và hội thi tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng chống ma túy, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Hấp dẫn giải cầu lông để rèn luyện sức khỏe
Return to top