Biếu, tặng quà tết, thông thường được hiểu là một hành vi văn hóa, thể hiện tình cảm, tức là phải hiểu nó ở nghĩa tốt đẹp. Tôi quý anh, mến anh nên tôi muốn thể hiện tình cảm với anh. Có nhiều cách, trong đó có cách là gửi tặng anh món quà. Hành vi này chẳng sao cả, thậm chí là còn khuyến khích.
Năm nào cũng nhắc lại việc cấm là bởi vì việc biếu, tặng quà tết có thể đã trở nên thái quá! Tức là nó không còn ở nghĩa tốt đẹp như trên đã nói nữa. Cấm là một việc, còn trong thực tế có “cấm được” hay không có vẻ như là một việc hoàn toàn khác. Phải chăng vì vậy mà năm nào cũng có chỉ thị cấm!
Trong công việc, dù ở khu vực tư hay khu vực công đều có những mối quan hệ với nhau. Ở khu vực tư cũng có rất nhiều mối quan hệ, ví dụ như với khách hàng, với đối tác, với các ngành chức năng của nhà nước, với chính quyền, với cộng đồng xã hội (nơi đơn vị, doanh nghiệp) đứng chân… Nói chung là có rất nhiều mối quan hệ và thường doanh nghiệp (DN) biết cách xử lý tốt những mối quan hệ đó để tạo ra những điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ như dịp cuối năm nhiều DN tổ chức gặp mặt khách hàng để tri ân. Thường là tổ chức một bữa liên hoan hiếu hỷ, có quà tặng (nhiều hay ít). Cũng có DN tổ chức bốc thăm trúng thưởng với giá trị phần thưởng không hề nhỏ - 1 chỉ vàng, một chiếc ti vi, một chiếc xe máy… Cũng là người tặng, người nhận nhưng chúng ta thấy ở đây mối quan hệ là gần như ngang bằng - anh và tôi đều có lợi; tôi cần anh và anh cũng cần tôi. Ngay như trong mối quan hệ giữa ngân hàng và DN, người đi vay, chúng ta tưởng là mối quan hệ bất cân xứng, bởi người có tiền và người cần tiền; người cần vay bao giờ cũng “yếu thế” hơn người cho vay, nhưng thực tế không phải vậy. Xét về mặt kinh tế, mối quan hệ ở đây cũng là mối quan hệ cân bằng. Tôi kinh doanh cái này, anh kinh doanh cái kia. Cái lợi của anh cũng là cái lợi của tôi.
Nhưng các mối quan hệ ở khu vực Nhà nước có vẻ như khác - là mối quan hệ không cân xứng. Chúng ta thường nghe nói cụm từ này: “Trách nhiệm của người đứng đầu” nó vừa thể hiện trách nhiệm cá nhân, nhưng cũng vừa thể hiện quyền lực của một người nào đó. Tức là mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người có quyền lớn (chẳng hạn như phạm vi, tính chất quan trọng) với người có quyền ít hơn, thậm chí là người không có quyền. Dù có quyền đến đâu thì cũng thực hiện quyền lực theo những quy định, theo những chuẩn mực nào đó. Nhưng trong thực tế không phải ai cũng làm được đúng như vậy. Ở đây nếu có biếu, tặng quà thường là cấp dưới đối với cấp trên, người quyền ít đối với người quyền nhiều, người không có quyền đối với người có quyền (chi phối mình). Điều này có lẽ chúng ta không cần chứng minh cũng cảm nhận được. Mối quan hệ giữa cấp trên, cấp dưới, những người có quyền chi phối người khác, một bộ phận khác… chúng ta không loại trừ những mối quan hệ tình cảm tốt đẹp.
Chúng ta không thiếu những cán bộ mẫu mực, đức độ được mọi người, Nhân dân tin yêu. Nhưng chúng ta cũng thừa biết trong mối quan hệ bất cân xứng nói trên là miếng đất màu mỡ cho vụ lợi. Biếu và nhận một món quà đơn giản, ý nghĩa nào đó chắc chẳng ai để tâm nhắc nhở làm gì! Cái mà Đảng và Chính phủ năm nào cũng nhắc nhở ấy là, trong mối quan hệ quà tặng đã trở nên không tốt đẹp, thậm chí là vụ lợi, tạo ra lợi ích nhóm… Anh biếu tôi cái này thì sẽ tạo điều kiện cho anh cái kia. Điều cốt lõi ở đây là vấn đề sở hữu: lấy cái gì, nguồn từ đâu để làm quà biếu? Có lẽ không có hoặc ít người lấy tiền từ túi mình. Mà giả sử như có lấy tiền từ túi của mình thì họ cũng nghĩ đến sẽ có ngày mình lấy lại. Thế thì tiền từ đâu? Chắc chắn là là không phải từ sở hữu của họ, có thể là từ của chung (tập thể), của ngân sách (bằng cách nào đó họ vận dụng để trở thành quà biếu), thậm chí từ tài nguyên thiên nhiên của quốc gia...
Tóm lại, mối quan hệ trong nhà nước, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới trong hệ thống nhà nước, việc tặng quà đã ít nhiều (mà có lẽ là nhiều) đã mất đi sự trong sáng. Có lẽ chính điều này mà làm chúng ta bận tâm?