Như ở Lệ Thủy (Quảng Bình) - là một trong những địa phương chịu tổn thất nặng nề do lũ lụt vừa qua. Nhiều nhà ngập ngang mái, đồ đạc hư hỏng, người dân thiếu đói, run rét trong lũ do thiếu chỗ ở cao ráo an toàn. Song, vẫn có những hộ nhờ xây nhà theo mô hình chống bão lũ nên người dân không chỉ được an toàn mà còn giúp những nhà xung quanh có chỗ trú ẩn tốt hơn.
Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện mô hình này được triển khai khá lâu và ngày càng được nhân rộng nhiều hơn. Cách đây tầm 10 năm, trong chuyến khảo sát cùng Tổ chức hội thảo và Phát triển Pháp- DWF (Development Worksop France) ở một số xã như Quảng An, Quảng Thành, Quảng Thọ… tại Quảng Điền để hỗ trợ triển khai mô hình xây nhà phòng tránh bão lũ, ban đầu người dân còn ngần ngại, e dè. Tuy nhiên, khi được chính quyền giải thích, sự hỗ trợ, tư vấn nhiệt tình của DWF, bà còn dần hưởng ứng và xây nhà. Qua mùa bão lũ sau đó, hiệu quả mô hình được khẳng định, người dân càng tin tưởng và nhân rộng mô hình không chỉ toàn huyện mà thêm nhiều huyện, thị xã khác. Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ xây nhà phòng tránh bão hoàn thành theo Quyết định 48 của Chính phủ. Ngoài ra còn có một số hộ lồng ghép với chương trình nhà ở chống bão DWF cũng đã triển khai và đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão năm nay. Riêng Quảng Điền có hơn 500 hộ nghèo được hỗ trợ triển khai xây nhà tránh bão lũ..
Cũng trong chuyến khảo sát và quá trình thực tế cho thấy, nhà phòng tránh bão lũ được xây dựng theo kết cấu chịu lực, có độ cao móng so với mặt đất tầm 1 mét trở lên, chiều cao hai tầng có thể phòng tránh được bão, lũ. Hơn nữa, kinh phí xây dựng những ngôi nhà này không quá lớn, tầm 60-100 triệu đồng (chưa kể phần nội thất, hoàn thiện), trong khi được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay ưu đãi và hỗ trợ từ Nhà nước nên nhiều người nghèo có cơ hội xây nhà. Thế nên, thời gian gần đây, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân triển khai xây nhà theo mô hình này.
Cùng với kinh nghiệm xây nhà tránh bão lũ, người dân các vùng thấp trũng ở Quảng Điền còn áp dụng để trồng rau vượt lũ khi các vườn rau được trồng trên giàn cao hơn mặt đất chừng 1m. Họ còn làm mái che, bắc bóng đèn chiếu sáng… Nhờ thế nên dù mưa lũ họ vẫn có rau xanh để cung cấp cho thị trường, vừa được giá, lại vừa có rau xanh để gia đình sử dụng.
Bây giờ về Quảng Thành - vựa rau của Quảng Điền, sẽ không khó để bắt gặp những giàn rau trên cao hay những ngôi nhà tránh bão lũ. Nói như lãnh đạo huyện, mô hình đó là “sáng kiến” của người dân vùng rốn lũ. Nhờ thế mà họ giữ được tài sản, có nguồn thu dù mưa ngập thường xuyên.
Sau cơn lũ chồng lũ vừa qua, dù Huế không có nhiều nhà thấp trũng bị hư hại hoàn toàn, song nhà ngập nước sâu không ít và gần như địa phương nào cũng có, nhất là vùng thấp trũng. Thế nên, mô hình nhà phòng tránh bão lũ là điều mà chính quyền địa phương cần định hướng cũng như có sự kết nối, chung tay với các tổ chức từ thiện, các gói hỗ trợ từ Chính phủ, doanh nghiệp… để giúp người dân vùng lũ không vơi bớt nỗi lo trong những căn nhà tạm bợ. Bởi khi có nhà kiên cố, tính mạng được an toàn, tài sản được đảm bảo thì người dân yên tâm hơn, tập trung hơn cho việc sản xuất, trồng trọt, phát triển kinh tế.
TÂM HUỆ