ClockThứ Năm, 21/11/2024 07:00

Nhân lực vừa hồng vừa chuyên

TTH - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngoài hệ thống các trường thuộc Đại học Huế, có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn lao động đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Đại học Huế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nướcKhởi nghiệp từ giảng đường: Đại học FPT Hà Nội - Điểm đến lý tưởng cho giấc mơ công nghệGiáo dục Huế cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp

Đào tạo nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động 

Đào tạo, bồi dưỡng con người

Tôi nhớ đã đọc ở đâu đó một ý rất hay, rằng hiền tài không chỉ gồm những người làm việc ở tầng lớp văn phòng, cơ quan nhà nước, nhà khoa học, mà hiền tài còn có cả những người lao động đang ngày đêm đóng góp vào nền sản xuất của địa phương, đất nước.

Hiện nay, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước, gồm: Thể chế, nguồn nhân lực - nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và hệ thống kết cấu hạ tầng. Nghị quyết số 17 của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu chung "Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng cao, dựa trên các yếu tố cơ bản là trí lực, thể lực, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức...".

Nghị quyết 17 cũng đã xác định 8 nhiệm vụ giải pháp; trong đó, có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên sâu cho các lĩnh vực, ngành kinh tế mũi nhọn: Văn hóa du lịch, nghệ thuật, bảo tồn di sản, thể thao; y tế; khoa học công nghệ; công nghệ thông tin; giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông...

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh, trong tổng số hơn 562.000 lao động đang làm việc tại Thừa Thiên Huế, khoảng 80.700 người có việc làm thuộc nhóm nhân lực chất lượng cao; 11,5% số lao động có việc làm yêu cầu kỹ năng cao. Trước yêu cầu mới khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Thừa Thiên Huế đang từng bước thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao. Tỉnh cũng đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30-35%. Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 34% và trong ngành dịch vụ là 51%. Dự kiến nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2025, có 80.000 lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch và dịch vụ; 10.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; 20.000 người trong lĩnh vực xây dựng.

Nhiều đơn vị sản xuất đang cần nhân lực chất lượng với kỹ năng, tay nghề cao 

Chăm lo từ giáo dục đến đời sống

Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cần được đào tạo, được chăm lo từ giáo dục đến đời sống, hình thành những nơi làm việc chuyên nghiệp. Chỉ khi người lao động cảm thấy được trân trọng, được đảm bảo về cuộc sống cơ bản, họ mới có động lực để học hỏi, nâng cao tay nghề trở thành thế hệ lao động mới lành nghề, tri thức, nâng cao khả năng đáp ứng thị trường lao động và giữ được tính cạnh tranh về nguồn lực cho địa phương và cho cả đất nước trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0.

Nói về việc thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành kinh tế của tỉnh, theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, địa phương cần quan tâm đến các yếu tố như môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nhân lực.

Về môi trường làm việc, theo ông Phúc, mỗi cơ quan, đơn vị cần xây dựng một môi trường làm việc thật tốt, quan hệ lao động hài hòa, tạo ra một động cơ làm việc tích cực, mang tính xây dựng cao. Điều này sẽ thu hút được sự quan tâm của mọi người trong đơn vị, tích cực làm việc gắn bó giữa cá nhân và tập thể. Còn về chính sách thu hút, đãi ngộ, tỉnh và các đơn vị tự chủ ngân sách, doanh nghiệp cần tiếp tục có chính sách tiền lương, thưởng phù hợp với sự cống hiến của người lao động; có chính sách ưu tiên theo từng cấp độ khác nhau cho những trình độ và năng lực khác nhau và có chế độ ưu tiên đặc biệt cho những nhân tài đặc biệt, những chuyên gia đầu ngành... Giải quyết thỏa đáng những vấn đề trên thì không chỉ thu hút, giữ được chân người lao động mà còn cuốn hút các nhân tài từ nơi khác về Huế.

Chính sách về nhà ở cũng rất quan trọng để lao động chất lượng cao gắn bó với công việc. Có ý kiến cho rằng, cần có sự kết hợp giữa doanh nghiệp sử dụng lao động và Nhà nước trong việc xây dựng nhà ở cho người lao động để phân bố nhà ở, hợp đồng điều kiện với người lao động. Hoặc tạo điều kiện cho người lao động mua nhà ở xã hội. Cách làm này cũng đã được Công ty Scavi Huế triển khai thực hiện từ gần 10 năm nay, với hệ thống khu nhà ở dành cho hàng trăm gia đình người lao động và trường mầm non chất lượng phục vụ cho con em công nhân viên công ty.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngoài hệ thống các trường thuộc Đại học Huế, có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn lao động đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở trường nghề hiện đang tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, địa phương để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị của các nghề đào tạo thuộc các ngành, nghề trọng điểm, các nghề theo chương trình chuẩn quốc tế được chuyển giao từ Úc, Cộng hòa Liên bang Đức... Một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý... Đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo, kiểm tra, tiếp nhận học viên thực tập, nghiên cứu khoa học và tuyển dụng vào làm việc sau khi tốt nghiệp.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1: Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể

Mô hình “Trường - Viện” đã minh chứng mang lại hiệu quả thiết thực trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao như hiện nay. Mô hình này của Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế (ĐHH) đã được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn là điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024.

“Trường - Viện” và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao - Kỳ 1 Gắn kết hữu cơ giữa các thực thể
Nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố cốt lõi để phát huy tiềm năng du lịch. Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch của Cố đô cũng phải được nâng lên xứng tầm với vị thế, trong đó có yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực cho ngành du lịch
Return to top