Thừa Thiên Huế hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 152 đơn vị hành chính cấp xã, với 1.488 thôn, bản, tổ dân. Theo quy định, mỗi tổ dân phố có từ 250 hộ trở lên mới đạt chuẩn và đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, quy mô dân số của nhiều tổ dân phố ở TP Huế và các thị xã, thị trấn nhỏ so với quy định dẫn đến số người hoạt động không chuyên trách lớn, chi ngân sách tốn kém, hiệu quả hoạt động không cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển theo xu hướng mới. Hiện, toàn tỉnh có 9 tổ dân phố có quy mô dưới 70 hộ và 36 tổ dân phố có quy mô từ 71-100 hộ. Trong khi đó, số thôn có số hộ lớn khá nhiều, với hơn 36 thôn có quy mô trên 500 hộ và 4 thôn thôn có quy mô trên 1.000 hộ nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc họp thôn để tuyên truyền, phổ biến chính sách và thực hiện quy chế dân chủ còn nhiều hạn chế.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng quy mô thôn, tổ dân phố trên địa bàn và xây dựng đề án sáp nhập, chia tách, thành lập các thôn, tổ dân phố mới có quy mô hợp lý hơn.
Sau khi có chủ trương của UBND tỉnh, các huyện, thị xã, TP Huế đã tiến hành rà soát, sắp xếp, sáp nhập, chia tách, thành lập mới thôn, tổ dân phố. Đa số các đơn vị cấp huyện, thị xã đã tích cực triển khai tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả, chất lượng. Riêng TP Huế, do đặc thù tính chất đô thị cao nên gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đến nay, toàn TP chỉ có 10/27 phường rà soát, sáp nhập tổ dân phố, trong đó, có 7/10 phường tiến hành hoạt động sáp nhập tổ dân phố. Các huyện đã tiến hành sáp nhập 141 thôn thành 71 thôn mới.
Đối với việc chia tách thôn, các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Thủy đã tiến hành chia tách 12 thôn thành 34 thôn mới.
Sau khi sáp nhập, chia tách và thành lập mới thôn, tổ dân phố, toàn tỉnh còn lại 1.373 thôn, tổ dân phố, trong đó có 729 thôn và 644 tổ dân phố, giảm 115 thôn, tổ dân phố so với hiện nay.
Theo Báo cáo thẩm tra việc sáp nhập, chia tách và thành lập các thôn mới, tổ dân phố mới trên địa bàn tỉnh của Ban Pháp chế HĐND, UBND tỉnh cần sớm ban hành các quyết định thành lập thôn, tổ dân phố mới và chỉ đạo UBND các cấp khẩn trương kiện toàn hệ thống chính trị, các chức danh hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố mới theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho hoạt động tự quản ở thôn, tổ dân phố mới không bị gián đoạn, phục vụ tốt cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Chỉ đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân về thủ tục hành chính, tư pháp có liên quan đến tên mới của thôn, tổ dân phố. Ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ để đầu tư cải tạo, xây mới các nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng phục vụ các hoạt động chung của thôn, tổ dân phố mới được thành lập. Ban hành tiêu chí phân loại thôn, tổ dân phố và quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tế.