Lực lượng chức năng Phú Lộc di dời dân đến nơi an toàn
Theo đó, toàn huyện có số nhà dân bị ngập nước từ 20cm đến 80cm gồm 3.108 nhà (chủ yếu ở các xã Lộc An 436, Lộc Điền 233, Lộc Trì 930, Vinh Hiền 663, Giang Hải 150 và thị trấn Phú Lộc 450...).
Một số tuyến đường ở các xã Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, thị trấn Phú Lộc và Lộc Thủy bị ngập từ 30 - 50 cm. Riêng xã Giang Hải và Vinh Hiền, bờ biển xâm thực dài khoảng 2,5 km. Nước biển tràn qua gây sạt lở, cuốn trôi tuyến Tỉnh lộ 21 khoảng 50 m và làm gãy đổ một số diện tích rừng dương phòng hộ dọc tuyến, nguy cơ mở cửa biển tại khu vực thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải là rất cao.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Thông, toàn huyện có diện tích hoa màu bị thiệt hại hơn 22,7 ha; diện tích nuôi xen ghép bị ngập úng 671,8 ha (chủ yếu ở Giang Hải 287 ha và Vinh Hưng 335 ha...); gia cầm bị chết, cuốn trôi gần 1.100 con...
Bảo vệ vật nuôi cho bà con vùng xung yếu
Ngành nông nghiệp huyện cũng đã chỉ đạo các tổ thủy nông xả các cửa ngăn đập Đại Đề, cống Quan, cống Công Trường và cống Truồi 1, Truồi 2; tổ chức trực ban, thường xuyên kiểm tra các hồ chứa nước thủy lợi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra.
Công an huyện cùng phối hợp với các địa phương tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, các ngầm, tràn... để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông đảm bảo an toàn; nghiêm cấm người và phương tiện qua lại các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49B.
Thiếu tá Lê Đức, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc cho biết, đơn vị đang phối hợp với các ban, ngành chức năng và chính quyền các địa phương khẩn trương tiếp tục sơ tán các hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, vùng nguy hiểm. Đồng thời, tăng cường lực lượng giúp dân giằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản, vật nuôi, tuyên truyền người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm nhằm đề phòng mưa lũ kéo dài. “Nhiệm vụ của đơn vị là nỗ lực không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân trong tình hình mưa lũ có nguy cơ còn kéo dài”, Thiếu tá Lê Đức khẳng định.
* Tính đến 11h ngày 10/10, mưa lũ làm trên 10 ngàn ngôi nhà trên địa bàn thị xã Hương Trà ngập từ 0,3 - trên 1,3m, các địa phương đã di dời trên 3.500 người từ các khu vực ngập sâu đến nơi an toàn.
Những căn nhà chìm sâu trong nước lũ ở Hương Vân
Trong đó, các xã phường như Hương Vinh, Hương Xuân, Hương Vân, xã đầm phá Hương Phong ngập nặng nhất, nhiều nơi nước lũ dâng lên sát mái nhà.
Mực nước tại sông Bồ hiện trên báo động III 0,57m. Các tuyến đường trục chính, tuyến đường liên thôn, xóm tại hầu hết các xã, phường vùng đồng bằng đều ngập sâu 1,2 - 2m làm chia cắt nhiều vùng.
Mưa lũ cũng làm sạt lở nhiều đoạn bờ sông Hương, sông Bồ; sạt lở đất taluy trên tuyến QL49 đoạn qua thôn 2 xã Bình Tiến với chiều dài 5m làm ảnh hưởng giao thông trên tuyến đường này. Hiện các lực lượng đã khắc phục xong. Bờ biển Hải Dương cũng bị sạt lở, xâm thực với chiều dài 1.200m, ăn sâu vào đất liền 20m. Sụt lún bờ kè thôn Địa Linh, xã Hương Vinh với chiều dài 6m.
Từ đêm 9/10, để đảm bảo an toàn, ngành điện đã cắt điện ở hầu hết các xã phường để đảm bảo an toàn.
* Chiều 10/10, UBND huyện A Lưới cho biết, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn huyện đã cơ bản được thông tuyến, đồng thời khắc phục xong sự cố mất điện.
Nhiều đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh bị sạt lở được thông tuyến
Theo đại diện UBND huyện A Lưới, mưa lớn dẫn đến tình trạng sạt lở gây tắc đường tại Quốc lộ 49A đoạn Km 69 + 813 đến km 76+380; đường Hồ Chí Minh đoạn Km357+200 (xã Hương phong), Km 348+800 (xã Phú Vinh), đèo Peke (Hồng Thuỷ); giữa thôn A Ka và Ka lô (A Roàng), thôn Cư xo (xã Lâm Đớt).
Đến 13h ngày 10/10, các tuyến đường bị sạt lở trên địa bàn huyện đã cơ bản được san gạt, thông tuyến, đảm bảo lưu thông cho người và phương tiện.
Riêng tuyến Quốc lộ 49A (Huế - A Lưới), đến 15h30 cùng ngày, các lực lượng chức năng cơ bản khắc phục, thông tuyến đường.
Bên cạnh xử lý tình trạng sạt lở, đến nay các đơn vị chức năng cũng đã khắc phục xong sự cố mất điện trện toàn huyện.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện A Lưới, tính đến nay, mưa lớn đã làm 5 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng; trong đó, hồ A Lá (A Ngo) sạt lở khoảng 200m3 (vị trí: gần tràn xả lũ); san lấp kênh mương thủy lợi Kim Sơn 200m (Hồng Kim); đập Khe Triết (Đông Sơn) bị trôi hoàn toàn; đập thủy lợi thôn A Roàng 2 (xã A Roàng) bị hư hỏng nặng; đường ống thủy lợi thôn Ka Lô và các thôn khác (xã A Roàng) bị hư hỏng nặng; đập thủy lợi A Tin, đập thủy lợi Chi Hòa: Đầu mối bị bồi lấp hoàn toàn.
Trong ngày 10/10, trên địa bàn huyện di dời thêm 26 hộ ở xã Hồng Thủy; 1 hộ dân tại xã Hồng Thượng bị cô lập do mưa lớn, nước ngập. Riêng tại xã Sơn Thủy, 15 hộ di dời tối ngày 9/10 hiện đã về nhà.
Tin, ảnh: Bá Trí - Liên Minh - Hữu Phúc