ClockThứ Năm, 19/05/2016 03:11

Nhớ những lần gặp Bác

TTH - Nhân kỷ niệm 126 năm Ngày sinh nhật Bác, Báo Thừa Thiên Huế xin giới thiệu một số hồi ức, kỷ niệm của những người từng vinh dự được gặp Bác. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cá nhân mà còn là dịp để chúng ta ôn lại những lời dạy của Bác, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người…

Cuộc gặp gỡ đặc biệt

Tháng 7/1964, Bác Hồ, Bộ Chính trị tổ chức cuộc gặp mặt lớp cán bộ trung, cao cấp quân đội tăng cường cho chiến trường miền Nam gồm 40 cán bộ.

Bác Hồ và các cháu thiếu nhi. (Ảnh: minh họa)

Lớp cán bộ này được học tập Nghị quyết 15 và nghe báo cáo cụ thể tình hình miền Nam lúc bấy giờ, do đồng chí Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và đồng chí Trần Văn Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam truyền đạt. Tôi dự lớp học đó nên vinh dự được Bác Hồ và Bộ Chính trị gặp mặt. Tôi còn nhớ như in, khi tôi và một số đồng chí đang ngồi ở bàn uống nước với đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Nguyên Giáp, hai đồng chí đang nói chuyện và dặn dò khi vào chiến trường thì Bác đến. Bác cười vui: “Chào Đại tướng” và hỏi: “Các đồng chí đang làm gì đấy” Đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: “Thưa bác, đang nói chuyện với anh em”. Sau đó Bác nói: “Dĩ thực vi tiên” và mời tất cả vào nhà ăn.

Vào nhà ăn nhưng chưa vào bàn, mọi người đứng nghe các đồng chí trong Bộ Chính trị nói chuyện thì đồng chí Tố Hữu đọc bài thơ, “Nguyễn Văn Trỗi” vừa mới sáng tác (lúc ấy chưa đăng báo). Đồng chí Tố Hữu cầm tờ giấy chậm rãi đọc bài thơ. Giọng đọc truyền cảm và xúc động của đồng chí như tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho mọi người. Sau khi đồng chí Tố Hữu đọc xong, mọi người râm ran một lúc rồi vào bàn ăn.

Tôi và 3 đồng chí nữa được vào bàn ăn có Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngồi vào bàn, anh Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nói: “Chúng mình ăn thôi, Bác ăn ở nhà rồi mới đến đây.” Bác ngồi uống nước chè và nói chuyện, dặn dò chúng tôi: “Các đồng chí đã học quân sự ở Liên xô, Trung Quốc và học tập Nghị quyết Trung ương Đảng, nhưng còn thiếu thực tiễn chiến trường. Các đồng chí vào trong đó phải phục tùng sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng địa phương, vì các đồng chí đó là người thực tế, đã trực tiếp chiến đấu với quân thù mấy năm nay. Đặc điểm chiến đấu ở miền Nam rất phong phú, rất ác liệt và hy sinh. Các đồng chí phải nắm rõ tình hình thực tiễn, áp dụng phương thức chiến đấu có hiệu quả. Bây giờ đánh ngụy, nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng Mỹ vào thì đánh Mỹ. Mà đánh Mỹ thì cũng phải có cách đánh hiệu quả, phải vận dụng thực tế, tiêu diệt được quân Mỹ và mình ít hy sinh; phải giữ được bí mật, tiếp cận địch để tiêu diệt địch.”

Ngồi ăn, nhưng tất cả đều nghe lời Bác dặn, nuốt từng lời để vào Nam đánh ngụy và chuẩn bị đánh Mỹ, giành thắng lợi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để đón Bác vào thăm.

Ngày 2/9/1969, đồng chí Trần Văn Quang khi đó là Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân khu ủy, Tư lệnh Quân khu Trị Thiên đến làm việc với tôi ở cơ quan thì một đồng chí cơ yếu mang bức điện của Trung ương gửi vào cho Khu ủy và Quân khu báo “Bác ốm nặng”. Anh Quang đọc điện xong, thừ người ngồi xuống giường và nói với tôi: “Trước khi vào đây, tôi đến thăm Bác, thấy sức khỏe Bác đã yếu, chắc khó qua khỏi”.

Hôm sau chúng tôi nhận tiếp bức điện báo tin Bác đã mất. Tất cả chiến trường, mọi người đều khóc thương Bác, làm lễ truy điệu Bác và hứa trước anh linh Bác sẽ chiến đấu tốt hơn, sát với thực tiễn, giành hiệu quả cao nhất, thực hiện tất cả những lời căn dặn và dạy bảo của Bác: Quyết tâm đánh thắng Mỹ-ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Như vậy, năm 1964 lại là năm tôi được gặp Bác Hồ lần cuối.

Mỗi lần đến ngày sinh nhật của Bác, tôi nhớ lại kỷ niệm ngày ấy, ngày gặp Bác, được ngồi ăn cơm với Bác và trong tôi luôn nhớ từng lời Bác dạy.

Thiếu tướng Trần Minh Đức

Hát cho Bác Hồ và ngài Tổng thống Xu Các Nô nghe

Vào một buổi học trung tuần tháng 5 năm 1959, sau buổi học cô giáo chủ nhiệm lớp 3A của lớp tôi nói với cả lớp: Bữa nay sắp tới, hết giờ học các em chịu khó ở lại học hát. Đây là niềm vinh dự, là dịp may hiếm có của lớp ta.

Cô Ngọc nói sắp tới sẽ có ngài Tổng thống nước Cộng hòa In đô nê xi a Xu Các Nô qua thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô dạy cho các em hai bài dân ca In đô nê xi a để cô và các em vào Phủ Chủ tịch hát tặng cho Bác Hồ và ngài Tổng thống nghe. Vì vậy các em cố gắng học cho thuộc, hát cho đều, cho hay.

Cô Ngọc chép bài hát lên bảng cho chúng tôi chép lại vào vở để về nhà tập hát thêm cho mau thuộc. Sau vài ngày tập hát, cả lớp hát đi hát lại mấy lần thì cô bảo các em hát như vậy là được. Đến ngày vào hát cho Bác Hồ và ngài Tổng thống nghe, các em phải ăn mặc cho đẹp: nam thì mặc quần âu xanh, áo sơ mi trắng, chải tóc ngay ngắn, bỏ áo vào quần có nịt đàng hoàng; nữ nếu có váy hoa, váy màu thì mặc vào, em nào không có thì mặc quần xanh, áo sơ mi trắng giống các bạn nam, chải tóc ngay ngắn, có nơ thì cài vào cho đẹp, cô sẽ dẫn các em vào Phủ Chủ tịch để hát.

Đến ngày, chúng tôi ai nấy đều náo nức. Cô giáo Ngọc dẫn cả lớp chúng tôi vào Phủ Chủ tịch, có cả các anh chị là đoàn viên thanh niên của Thành đoàn Hà Nội vào đây để chào mừng ngài Tổng thống.

Khi Đoàn đại biểu cấp cao In đô nê xi a do Tổng thống Xu Các Nô dẫn đầu về đến Phủ Chủ tịch, 21 phát đại bác vang rền, Hồ Chủ tịch và ngài Tổng thống duyệt đội danh dự, đội quân nhạc cử bài quốc thiều In đô nê xi a và quốc thiều Việt Nam, sau đó 2 đoàn đại biểu Việt Nam và In đô nê xi a chào, bắt tay nhau. Tiếp đó, cô giáo chủ nhiệm bắt nhịp cho chúng tôi hát hai bài dân ca In đô nê xi a để tặng ngài Tổng thống và Bác Hồ nghe. Sau khi chúng tôi hát xong, Bác Hồ đến xoa đầu tôi, Bác nói: “Các cháu giỏi lắm còn biết hát cả dân ca In đô nê xi a để hát tặng ngài Tổng thống nữa. các cháu hãy làm theo 5 điều Bác dạy nhé, để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”. Chúng tôi dạ! Kính thưa Bác chúng cháu sẽ làm theo lời Bác dạy. Sau đó cô bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”

Năm 1982, khi sinh cháu trai đầu, rồi cháu trai thứ hai, tôi cũng đã hát 2 bài này để ru con ngủ. Bây giờ tôi lại hát cho 2 cháu nội nghe bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” và hai bài dân ca In đô nê xi a là Nam Dương tươi đẹp và Mã Độc Sơn. Có một điều trùng khớp của 2 vị lãnh tụ này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành chính quyền cách mạng thắng lợi vào mùa thu năm 1945 thì Tổng thống In đô nê xi a Xu Các Nô đã lãnh đạo nhân dân In đô nê xi a giành thắng lợi chính quyền cách mạng vào mùa thu năm 1949.

Tôi còn nhớ bài hát về cuộc cách mạng mùa thu này trong đó có đoạn: “Dừa phương Nam quê em trái to và mát lành, đang nằm trong tay đế quốc hung tàn. Em nhớ mùa thu cách mạng In đô nê xi a. Nhưng mùa thu nước em bao người cầm súng đã vùng lên chống lũ đế quốc giữ thôn xóm, giữ hòa bình. Để cho đàn em được vui dưới bóng dừa xanh”.

Trần Văn Đức

Cháu ngoan Bác Hồ năm 1961

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Quà tặng sinh nhật là gì? Gợi ý món quà tặng mạ vàng được lựa chọn làm quà tặng sinh nhật

Quà tặng sinh nhật là những món quà được dành tặng cho người thân, bạn bè, đối tác, hoặc đồng nghiệp nhân dịp sinh nhật của họ, với mục đích gửi gắm lời chúc tốt đẹp, chúc người nhận tuổi mới có nhiều sức khỏe, may mắn, thành công, và hạnh phúc. Món quà sinh nhật không chỉ có giá trị vật chất mà còn là cách thể hiện tình cảm và sự quan tâm từ người tặng đối với người nhận.

Quà tặng sinh nhật là gì Gợi ý món quà tặng mạ vàng được lựa chọn làm quà tặng sinh nhật
Nhớ gác bếp của ngoại

Mỗi khi mùa đông gõ cửa, trong tâm trí tôi lại hiện về những kỷ niệm gắn liền với căn gác bếp nhỏ bé của ngoại, nơi đã từng là trái tim của ngôi nhà, lưu giữ biết bao ký ức ngọt ngào và thân thương.

Nhớ gác bếp của ngoại
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ (10/10/1954 - 10/10/2024)
Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ

Ngày 10/10/1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội tiến về tiếp quản Thủ đô.

Xứng danh với lời căn dặn của Bác Hồ
Return to top