Dưới chân tượng đài Bác Hồ ở Trường THPT chuyên Quốc Học. Ảnh: Võ Nhân
Đó chính là năm Mậu Thân-1908. Học trò của thầy Miến về sau có không ít những tên tuổi được ghi vào sử sách Việt Nam, nhưng với Nguyễn Sinh Cung (còn gọi là Côn hoặc Nguyễn Tất Thành), năm 1908 có ý nghĩa rất đặc biệt. Theo lời hẹn với các bạn ở Truyền hình Việt Nam, tôi đi dọc đường Lê Lợi, qua Đập Đá, xuống “Thôn Vỹ” để thực hiện một cảnh quay tại chùa Ba-la-mật (nơi còn lưu giữ hai tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến) và tại ngôi nhà đang thờ phụng cụ Miến, nơi bác Lê Văn Yên đã kể cho tôi nghe cuộc đời đặc biệt của “người thầy đầu tiên” đã gieo vào lòng Nguyễn Sinh Cung tinh thần yêu nước thương dân. Qua Trường Quốc Học, rồi Trường đại học Sư phạm Huế (trước đây là “Tòa Khâm”)…rộn ràng những bước chân trẻ trung đang hăm hở tích lũy kiến thức để xây dựng đất nước ngày mai, nhưng tôi cứ nghĩ đến chuyện “ngày xưa”…
Năm Mậu Thân-1908, chính trên con đường ven bờ sông Hương này đây, đã diễn ra cuộc nổi dậy chống thuế quyết liệt của nhân dân Huế. Nhà văn - nhà “Huế học” Nguyễn Đắc Xuân, trong cuốn sách “Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế” (NXB Văn học, 2003) đã viết: “… Trước mũi súng tàn bạo của quan binh tay sai thực dân Pháp... bị thương rất nhiều, riêng ông Nguyễn Cưỡng chết ngay tại chỗ. Dân chúng… khiêng đi đấu tranh chứ nhất định không chôn… Như đã hẹn trước, sáng ngày 11/4/1908, dân chúng ngoại thành chia từng nhóm nhỏ kéo vào Huế. Đoàn người… gánh xác ông Nguyễn Cưỡng trong cáng tiến về Tòa Khâm sứ Pháp và Phủ Doãn Thừa Thiên…
Lúc đoàn người đã đến gần Tòa Khâm (khuôn viên Đại học Sư phạm Huế ngày nay) thì ở phía trên gần trường Quốc Học có một nhóm học sinh… đứng nghe học sinh Nguyễn Sinh Côn nói chuyện… “Bọn mình là học sinh biết tiếng Tây nên đi thông ngôn giúp đồng bào!” Vừa nói, trò Côn vừa cầm tay các bạn: “… Nào! Chúng ta cùng về Tòa Khâm nào!”
Theo tiểu thuyết “Búp sen xanh” của Sơn Tùng, sau sự kiện đó “Nguyễn Tất Thành bị cảnh sát săn đuổi. Anh phải sống ẩn náu trong nhà một vài bạn học mà cảnh sát và nhà trường không để ý tới… Tòa Khâm sứ cho người sang Trường Quốc Học khiển trách về vụ học sinh tham gia biểu tình chống “nhà nước bảo hộ”. Tòa Khâm còn ban bố lệnh: “Những trò nào chỉ a tòng, vì bị rủ rê mà nhập đoàn đi reo thì phải làm giấy tự thú với hiệu trưởng mới được học tiếp. Những trò nào đứng ra hô hào dân chúng và học trò tham gia bạo loạn thì phải đuổi khỏi trường ngay…” Thầy Lê Văn Miến và một số thầy người Việt phản đối việc đuổi và bắt học trò làm giấy đầu thú. Viên Khâm sứ nguyên có biết thầy Miến tại Paris…, để lấy lòng thầy Miến, y đã “miễn tội” cho những học sinh tham gia vụ biểu tình… nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn phải làm “tự thú” nộp cho hiệu trưởng và đi theo hiệu trưởng đến Tòa Khâm để cam kết từ nay về sau không được làm việc gì gây tổn hại đến “sự nghiệp của nhà nước bảo hộ”…”
Ảnh: TL
Nguyễn Tất Thành cam chịu bị đuổi ra khỏi trường, chứ không chịu làm bản tự thú nộp cho Tòa Khâm! Hiểu ý chí của người học trò sớm có bản lĩnh khác thường, thầy Miến đã nói: “Tất Thành! Con đừng nói thêm một lời nào nữa! - Thầy Lê Văn Miến hai tay bưng lấy mặt, nói: - Con hãy đi… đi theo tiếng gọi của lòng con…”
Đã từ lâu - khi biên soạn cuốn sách về họa sĩ Lê Văn Miến - tôi cứ “thắc mắc” vì sao nhà văn Sơn Tùng lại miêu tả cảnh thầy trò chia tay như thế, mà không viết rằng thầy vui mừng động viên trò lên đường… Nhưng rồi suy nghĩ, tôi hiểu “thầy Lê Văn Miến hai tay bưng lấy mặt” trong khi chia tay với người học trò yêu quý, trước hết là để trò không thấy được đôi dòng lệ đã chảy tràn trên bộ mặt quá xúc động của mình vì giờ phút chia tay cũng là lúc vĩnh biệt người con trai cụ Phó bảng mà trước ngày đi nhậm chức ở Bình Khê, cụ đã gửi nhờ thầy trông nom; hơn nữa, đó là hình ảnh chứng tỏ người thầy dù đã bôn ba từ trời Tây trở về, vẫn như e sợ không dám nhìn con đường xa tít tắp có biết bao bất trắc, chông gai không thể lường hết được trước mắt chàng trai chưa trưởng thành, không có nghề nghiệp, không được ai bảo trợ.
Quả là với một học sinh vừa lên 18 tuổi, quyết định xa rời nơi chốn thân thuộc, dám một mình dấn thân trên con đường xa vời vợi, chưa biết đích đến là đâu, còn đòi hỏi nghị lực và lòng can đảm hơn cả trước họng súng của cảnh sát Pháp. Đó là một một tấm gương sáng mãi để hậu thế noi theo trên đường đời vẫn luôn có những trở ngại, những thách thức khôn lường.
Cũng có thể nói, nếu không có sự kiện năm Mậu Thân -1908 ấy, thì không có Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh!