|
Công an bắt giữ Ngô Bá T. một đối tượng truy nã do Công an tỉnh Gia Lai ra quyết định
|
Mò kim đáy bể
Sau những ngày dài đi công tác xa về, các anh kể cho chúng tôi về hành trình “tầm nã” tội phạm.
Mở đầu câu chuyện, đại tá Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng PC52 bộc bạch: “Gần đây, tội phạm hình sự có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, là một trong những nguyên nhân cơ bản tăng “đầu vào” của đối tượng truy nã (ĐTTN). Với những tội phạm trốn truy nã, hầu hết bọn chúng nghĩ ra nhiều mưu kế để tạo vỏ bọc mới hoặc bỏ trốn thật xa, khiến các trinh sát như “mò kim đáy bể”. Bằng nỗ lực cao độ, những năm qua, lực lượng Cảnh sát CSTNTP Công an tỉnh đã bắt hàng trăm đối tượng về quy án trước sự ngỡ ngàng của nhiều người”.
Việc thay hình đổi dạng sau khi gây án, ranh mãnh xảo quyệt khi bị đưa vào “tầm ngắm”, đến lúc bị bắt thì điên cuồng chống trả, những “thuộc tính” ấy dường như đã gắn liền với tội phạm mang án truy nã.
Để đưa ra ánh sáng pháp luật, những người lính “tầm nã” luôn phải đối diện với nguy hiểm và cam go. Đại úy Nguyễn Văn Hiền, một “thợ săn” tội phạm truy nã của PC52 chia sẻ: Các đối tượng mang “án truy nã” luôn có những hành động nguy hiểm. Nhiều đối tượng sẵn sàng sử dụng hung khí, vũ khí nóng để chống trả lực lượng truy bắt khi bị phát hiện. Việc truy nã ở vùng biên giới lại càng khó khăn hơn, bởi các đối tượng có những mối quan hệ phức tạp bên kia biên giới và có thể trốn ra nước ngoài. Trong những chuyến đi vất vả, gian khổ ấy, có khi tổ công tác gần đến nơi thì bị “động” nên đối tượng đã trốn đi nơi khác. Nhưng không vì thế mình nản lòng mà lại có thêm kinh nghiệm cho những cuộc tìm kiếm tiếp theo.
Điển hình là vụ bắt ĐTTN Nguyễn Văn Hiển sau 31 năm lẩn trốn đã minh chứng sự mưu trí, nhiệt huyết của những người lính truy nã. Nguyễn Văn Hiển là ĐTTN bỏ trốn trong thời gian thụ án tại Trại giam Thanh Lâm- Tổng cục VIII, Bộ Công an từ năm 1983 và có 3 tiền án về các tội danh khác nhau. Sau khi rà soát, lực lượng công an phát hiện 1 đối tượng có tên là Nguyễn Hữu Sơn (Sơn say), làm nghề mổ dê tại phường Hương Chữ (TX Hương Trà) có nhiều đặc điểm giống Nguyễn Văn Hiển từ dáng người, nói giọng miền Bắc… Tuy nhiên, trong quyết định truy nã, lúc đó không có ảnh để xác định Hiển có phải là Nguyễn Hữu Sơn hay không khiến lực lượng trinh sát gặp nhiều khó khăn. Tránh việc truy bắt oan sai, lực lượng CSTNTP đã bí mật lấy dấu vân tay của tên Sơn để đối chiếu với tên Hiển trong quyết định truy nã thì trùng khớp nên bắt giữ. Qua đấu tranh, Hiển khai nhận đã thay đổi tên để nhập hộ khẩu tại TP Huế và lẩn trốn hơn 30 năm nay.
Từ năm 2010, khi Phòng CSTNTP được thành lập, lực lượng CSTN đạt được nhiều kết quả quan trọng, mang tính đột phá, tỷ lệ bắt, vận động đầu thú ĐTTN cao; kiềm chế, làm giảm số ĐTTN phát sinh; qua đó làm giảm mạnh số ĐTTN theo hàng năm. 5 năm qua, Phòng CSTNTP đã bắt, vận động, đầu thú, thanh loại 376 đối tượng. Trong đó, việc phá thành công nhiều chuyên án, vụ án được lãnh đạo Bộ Công an, Công an tỉnh đánh giá rất cao, Nhân dân khen ngợi.
|
Vụ bắt thành công đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm sau 17 năm lẩn trốn Nguyễn Hữu Dũng trú tỉnh Sóc Trăng về tội lưu hành tiền giả được Nhân dân khen ngợi. Tên Dũng đã móc nối với 1 đối tượng người Quảng Châu (Trung Quốc) nhiều lần mua tiền VNĐ giả ở Trung Quốc theo đường Lạng Sơn đưa về Việt Nam và Campuchia tiêu thụ. Công an Thừa Thiên Huế phát hiện Dũng khi y đang dùng tiền giả để mua hàng. Sau thời gian dài chạy trốn, tên Dũng đã sa lưới PC52 tại TX Đồng Xoài (Bình Phước).
Còn rất nhiều chuyên án, vụ án điển hình khác mà lực lượng CSTNTP đã phá trong thời gian qua. Đúng như lời đại tá Nguyễn Tuấn: Trong nhiều trường hợp, đưa họ về chịu án không chỉ là giữ ổn định an ninh, trật tự mà còn là giúp chính họ thoát ra khỏi bi kịch tinh thần thường phải sống trong tâm trạng bất an, sợ hãi, có gia đình mà không thể về thăm, gia đình có biến cố cũng không thể chia sẻ. Kiên trì từng chút một, không bỏ qua dù là một chi tiết nhỏ, là những bài học mà các cán bộ, chiến sĩ làm công tác bắt truy nã rút ra trong quá trình làm nhiệm vụ.
Kiên trì vận động
“Mục tiêu của công tác truy nã tội phạm là đưa được họ về quy án. Bắt chỉ là một biện pháp nghiệp vụ. Để không tốn một viên đạn, giọt máu nào của anh em, mà vẫn bảo đảm cho quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi, thì “thượng sách” vẫn là vận động, kêu gọi, tác động tâm lý để họ tự giác ra đầu thú. Đây được coi là biện pháp trọng tâm. Hình thức vận động linh hoạt, trong đó chúng tôi chú trọng “vận động cá biệt”, tức là thuyết phục những người có uy tín, có quan hệ ruột thịt với đối tượng để tác động, cảm hóa. Vì vậy, trong số đối tượng truy nã quy án gần đây, có đến 40% người tự giác đến đơn vị đầu thú”- đại tá Nguyễn Tuấn cho biết.
Đó là lần thuyết phục đối tượng Trần Quốc (ở Thuận An, Phú Vang) bị truy nã về tội “cướp tài sản” đã trốn ra nước ngoài trở về quy án. Biết gia đình Quốc đang gặp nhiều mất mát, các trinh sát của phòng đã thường xuyên xuống gia đình ân cần thăm hỏi, động viên, rồi thông qua họ hàng thuyết phục Quốc từ Lào trở về trình diện. Để đưa một đối tượng trốn truy nã ra ánh sáng, cán bộ công an làm công tác “tầm nã” phải tìm hiểu kỹ hoàn cảnh phạm tội, đặc điểm tâm lý của từng đối tượng và gia đình họ. Các anh luôn chú ý tới người có ảnh hưởng đến đối tượng nhiều nhất để trực tiếp đến vận động, thuyết phục; thậm chí phải nhờ những người có uy tín trong dòng tộc, người yêu thương của đối tượng để cảm hóa họ với suy nghĩ “quay đầu là bờ”. Nhiều lần, các anh phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với gia đình nhằm tạo mối quan hệ thân thiết để từng bước chia sẻ, giải thích cho họ hiểu cái lợi của việc đưa con em ra đầu thú...
Dẫu biết rằng việc tầm nã đầy gian truân, vất vả nhưng những chiến công mà những người lính CSTNTP Công an tỉnh lập được phần nào đã nói lên những cố gắng, nỗ lực không biết mệt mỏi của họ trên chặng đường dài đấu tranh với tội phạm, hoàn thành nhiệm vụ, giữ bình yên hạnh phúc cho Nhân dân.