Rồng lửa SAM của quân đội ta trong trận chiến Điện Biên Phủ trên không. Ảnh: Internet
Tháng 12/1972, đế quốc Mỹ. cho máy bay rải thảm miền bắc Chỉ trong 12 ngày đêm, chúng đã sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B.52, 999 máy bay chiến đấu chiến thuật trút xuống Hà Nội gần 4 vạn tấn bom đạn, làm cho 2.380 người chết, 1.355 người bị thương. Với số bom đạn trên, Mỹ đã gây cho Hà Nội nhiều khó khăn, tổn thất. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, bom Mỹ đã phá hỏng 7/9 ga xe lửa, 4/5 chiếc cầu, 4/5 bến phà; một phần ba trong tổng số 200 nhà máy, xí nghiệp cùng 5 bệnh viện, Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều công trình kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật bị phá hủy hoặc bị thiệt hại nặng; 4 thị trấn, 67 xã ngoại thành và 39 khối phố nội thành bị đánh phá. Nhiều trọng điểm bị địch đánh phá nhiều lần có tính chất hủy diệt như: cầu Đuống, cầu Long Biên, ga Yên Viên, nhà máy điện Yên Phụ…
Vượt lên tất cả những mất mát, đau thương, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, với hào khí Thăng Long ngàn năm văn hiến, với tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Nhân dân Thủ đô đã không chịu khuất phục. Chấp nhận những khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh xương máu, Nhân dân Thủ đô đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng đã tích cực chuẩn bị để sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ.
Theo đó, Thành uỷ Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phát động và tổ chức toàn dân bắn máy bay địch; xây dựng và phát triển thế trận phòng không Nhân dân, phát huy khả năng bắn máy bay của mọi loại vũ khí được trang bị. Từ thực tế chiến đấu và sản xuất, lực lượng phòng không Nhân dân thủ đô được tổ chức thành lực lượng trực chiến, gồm các tổ (đội) bắn máy bay tầm thấp và lực lượng không trực chiến (lực lượng rộng rãi) vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, khi có báo động thì triển khai tại các công sự đã chuẩn bị sẵn để bắn máy bay địch. Lưới lửa tầm thấp của dân quân tự vệ Thủ đô đã góp phần tích cực cùng lưới lửa tầm cao của bộ đội chủ lực giăng thành thiên la địa võng thiêu cháy máy bay địch khi xâm phạm vùng trời Hà Nội.
Đồng thời với nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch, Thành uỷ, Ủy ban Hành chính thành phố đã chủ động làm tốt công tác phòng không nhân dân như: triển khai mạng lưới thông báo, báo động phòng không rộng khắp trong thành phố; tổ chức sơ tán, phân tán người, cơ sở vật chất ra khỏi thành phố để tránh tổn thất; xây dựng hệ thống trận địa chiến đấu và hầm hào phòng tránh máy bay địch rộng khắp; triển khai mạng lưới y tế, cấp cứu và khắc phục hậu quả đánh phá của địch...
Cùng với việc phát động toàn dân tích cực tự giác tham gia, vai trò tổ chức lực lượng và chỉ đạo của Thành uỷ, Uỷ ban Hành chính thành phố và Bộ Tư lệnh Thủ đô là hết sức quan trọng. Hội đồng phòng không nhân dân các cấp đã được tổ chức từ thành phố đến khu phố, huyện và các cơ sở do chính quyền đảm nhiệm. Dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng không nhân dân và thực tế đã phát huy tốt vai trò của mình trong các hoạt động cấp cứu, khắc phục hậu quả; xây dựng hầm hào phòng tránh, san lấp đường băng sân bay để máy bay ta cất cánh đánh địch; giữ gìn an ninh trật tự ở đường phố, xí nghiệp, cơ quan, trường học. Do vậy, mặc dù bị bom đạn tàn phá nặng nề, nhưng những hoạt động thời chiến của thành phố vẫn được tổ chức, điều hành chặt chẽ, có trật tự và không hoảng loạn. Đây là cơ sở quan trọng giúp cho các lực lượng phòng không, không quân tập trung được mọi sức mạnh vào nhiệm vụ tiêu diệt máy bay địch và làm giảm thương vong thiệt hại do bom địch gây ra.
Nối tiếp truyền thống chống ngoại xâm của Thủ đô nghìn năm văn hiến, Nhân dân Hà Nội cùng với quân dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu. Âm mưu của đế quốc Mỹ muốn dùng sức mạnh của bom đạn để làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta, mà Hà Nội là nơi tiêu biểu, đã bị đập tan. Đây là thắng lợi lớn nhất của ta, cũng là thất bại cơ bản nhất của đế quốc Mỹ trong âm mưu đánh phá Hà Nội. Chiến thắng không quân địch, quân và dân Hà Nội đã hoàn thành sứ mạng vẻ vang: bảo vệ vững chắc trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến. Thủ đô Hà Nội vẫn là nơi làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ; vẫn là đầu mối giao lưu quốc tế đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
45 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu 12 ngày đêm cuối năm 1972 vẫn còn nguyên giá trị. Từ cuộc chiến đấu đó soi vào tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, lịch sử như đang nhắc nhở chúng ta: phải không ngừng nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không bao giờ được mơ hồ với bản chất của chủ nghĩa đế quốc. Trong khi đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại, chúng ta phải không ngừng phát huy vai trò to lớn của Nhân dân Hà Nội nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung trong nhiệm vụ bảo vệ bảo vệ Thủ đô yêu dấu, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, Thạc sĩ Đặng Thanh Huyền