ClockThứ Ba, 05/05/2020 13:00

Nỗ lực không ngừng nghỉ

TTH - Nâng cao chất lượng xét xử các loại án; hòa giải thành công, giải quyết dứt điểm các vụ án dân sự phức tạp, giải tỏa “điểm nóng” tranh chấp, nhiều năm liền, Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Phú Lộc vinh dự được nhận Cờ thi đua của ngành, Cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, hiện được đề nghị đơn vị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.

Chánh án TAND huyện Phú Lộc (phải) thay mặt đơn vị nhận Cờ thi đua của ngành năm 2019

Hiệu quả

Từ năm 2015 đến 2019, TAND huyện Phú Lộc thụ lý tổng số 1.537 vụ án các loại, đã giải quyết, xét xử 1.532 vụ, đạt tỷ lệ 99,7%. Các vụ án hình sự đều được đưa ra xét xử kịp thời, trong hạn luật định, chất lượng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm, chất lượng tranh tụng tại các phiên toà ngày càng được nâng cao.

Điển hình là trong năm 2019, có vụ án xét xử 1 bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản. Qua tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (do ông Phan Sang, Chánh án TAND huyện Phú Lộc làm chủ tọa phiên tòa) có căn cứ cho rằng vụ án có đồng phạm nên trả hồ sơ do bỏ lọt tội phạm. Kết quả, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung bị can và tòa án đã xét xử kết tội các bị cáo.

Giải quyết án dân sự, những người làm công tác xét xử luôn thận trọng, khách quan trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. “Đặc biệt, chúng tôi dồn tâm sức để làm tốt công tác hòa giải trên nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” để giảm căng thẳng giữa các bên đương sự, hàn gắn mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự có hiệu quả”- ông Phan Sang chia sẻ.

Từ tâm sức, trí tuệ của tập thể cán bộ, thẩm phán TAND huyện Phú Lộc, nhiều vụ án tranh chấp dân sự phức tạp liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại do thi công Quốc lộ (QL)1A đã được tòa án hòa giải. Trước đó, quá trình thi công nâng cấp, mở rộng QL1A đã gây nứt nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của một số người dân. Việc giải quyết bồi thường thiệt hại không thỏa đáng dẫn đến mâu thuẫn, khiếu kiện, tranh chấp gay gắt. Chính quyền các cấp hòa giải nhưng không thành, phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế... Người dân đã gửi đơn đến tòa án khởi kiện.

Tòa án căn cứ vào kết quả giám định, thẩm định giá của Trung tâm Kiểm định chất lượng xây dựng, đồng thời phân tích thấu tình đạt lý trong quá trình hòa giải. Do đó, đã hòa giải thành và xét xử dứt điểm 100% các vụ tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do thi công QL1A. Đa số là hòa giải thành công, không có kháng cáo, kháng nghị. Án có hiệu lực được thi hành. Người dân nhận bồi thường, yên tâm khắc phục thiệt hại, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống.

Trong 5 năm qua, TAND huyện Phú Lộc đã hòa giải thành 928/1.218 vụ, đạt tỷ lệ gần 77%. Đây là thành công lớn, góp phần giữ vững trật tự an ninh trên địa bàn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nêu gương

Ông Phan Sang cho biết, mỗi cá nhân thẩm phán, thư ký, cán bộ và tập thể đơn vị đã nỗ lực không ngừng nghỉ, có nhiều giải pháp để giữ vững và phát huy kết quả đạt được. Đơn vị đề ra kế hoạch công tác năm và chương trình hành động của cơ quan, trong đó yêu cầu phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Phong trào thi đua, chủ đề “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, trong đó đề ra các kế hoạch, nội dung, biện pháp thi đua ngắn hạn phù hợp, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án được hưởng ứng mạnh mẽ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, ông Phan Sang là thẩm phán giải quyết 500 vụ án liền không sai sót, không bị hủy, sửa, năm 2019 được Chánh án TAND tối cao tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”. Tinh thần, trách nhiệm đó lan tỏa đến cán bộ trong đơn vị.

Không chỉ các thẩm phán, lực lượng thư ký TAND huyện Phú Lộc thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bà Trần Thị Phương Thảo, bà Đoàn Anh Nga, ông Đinh Xuân Cầm được Chánh án TAND tối cao tặng Bằng khen.

Một trong những giải pháp đột phá, hữu hiệu để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp mà TAND huyện Phú Lộc thực hiện tốt, đó là tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo hướng dẫn của TAND tối cao. Theo đó, đơn vị lựa chọn những vụ án có tính chất phức tạp để đưa ra xét xử, có cán bộ nghiệp vụ trong đơn vị đều dự. Sau khi phiên tòa kết thúc, đơn vị họp nêu ra những mặt hạn chế hay ưu việt từ các khâu để rút kinh nghiệm. Năm 2017 đến nay, TAND huyện Phú Lộc đã tổ chức 21 phiên tòa rút kinh nghiệm, đạt hơn gấp đôi chỉ tiêu của TAND tối cao đề ra, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND tỉnh đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của TAND huyện Phú Lộc, để TAND 2 cấp tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị.

Bài, ảnh: Duy Trí 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) chuẩn bị tái định hình các ngành công nghiệp trên toàn thế giới, một nghịch lý đang nổi lên rằng mặc dù nhu cầu tận dụng tiềm năng của công nghệ đang ngày càng tăng, các kỹ năng liên quan đến AI nhìn chung vẫn thiếu hụt.

Phải nỗ lực thu hẹp khoảng cách kỹ năng AI vào năm 2025
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Thành công từ sự nỗ lực

Sau dịch COVID-19, chị Trần Thị Hà (sinh năm 1976, hội viên phụ nữ tổ dân phố 6, Phú Bài, TX. Hương Thủy) thất nghiệp. Cũng đã có tuổi, không việc làm, chị Hà đứng trước vô vàn khó khăn và những mối lo về gánh nặng kinh tế gia đình. Được sự động viên của người thân và sự giúp đỡ của hội liên hiệp phụ nữ các cấp, chị Hà đã mạnh dạn vay vốn để mở gia trại chăn nuôi và trồng cây ăn quả.

Thành công từ sự nỗ lực
Nỗ lực xóa hết hộ nghèo

Sau khi triển khai rà soát hộ nghèo vào cuối năm 2023, phường Phường Đúc (TP. Huế) còn 2 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,07%. Thực hiện mục tiêu "sạch" hộ nghèo, từ đầu năm đến nay chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đã triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững (GNBV). Đến cuối tháng 11/2024, Phường Đúc trở thành địa phương không có hộ nghèo của thành phố.

Nỗ lực xóa hết hộ nghèo
Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm

Không trông chờ vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, huyện Phong Điền đã xóa được nhà tạm cho nhiều hộ nghèo ở địa phương.

Phong Điền nỗ lực xóa nhà tạm
Return to top