ClockThứ Ba, 08/08/2023 14:37

Nỗi lo an ninh lương thực khi vựa lúa Trung Quốc chìm trong nước lũ

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở vùng sản xuất ngũ cốc hàng đầu của Trung Quốc ở phía Đông Bắc, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực.
leftcenterrightdel
Những cánh đồng và con đường ở thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc bị nước lũ nhấn chìm vào ngày 4/8. Ảnh: AP 

Theo kênh CNN ngày 7/8, mưa xối xả do hậu quả của cơn bão Doksuri đã tàn phá miền Bắc Trung Quốc từ cuối tháng 7, khiến hơn một triệu người phải sơ tán và ít nhất 30 người thiệt mạng ở ngoại ô Bắc Kinh và tỉnh Hà Bắc gần đó.

Xa hơn về phía Bắc ở tỉnh Hắc Long Giang lân cận, các con sông cung cấp nước tưới cho các cánh đồng màu mỡ của tỉnh này đã tràn bờ, nhấn chìm các cánh đồng lúa, phá hủy các nhà kính trồng rau và làm hư hỏng các nhà máy.

Trên toàn tỉnh Hắc Long Giang, chính quyền cho biết 25 con sông đã vượt quá mức cảnh báo và có nguy cơ vỡ bờ.

Ngày 6/8, Bộ Thủy lợi của Trung Quốc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp lũ lụt lên Cấp 3 đối với các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Đây là mức khẩn cấp thứ ba trong hệ thống ứng phó khẩn cấp bốn cấp.

Tại Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, trên 162.000 người đã phải sơ tán, trong khi hơn 90.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng do nước lũ.

Tại thành phố Thượng Chí, hơn 42.575 ha cây trồng đã bị phá hủy trong trận mưa bão tồi tệ nhất mà thành phố này phải đối mặt trong hơn 6 thập kỷ.

Nhiều ngôi làng và diện tích đất nông nghiệp rộng lớn cũng bị ngập lụt ở thành phố Vũ Xương, một thành phố sản xuất lúa gạo lớn khác ở Hắc Long Giang. Chính quyền địa phương vẫn đang thống kê thiệt hại.

Tình trạng ngập lụt đất nông nghiệp đã làm tăng thêm mối lo ngại về những tác động tiềm tàng đối với an ninh lương thực ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là khi các sự kiện thời tiết cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu đặt ra các mối đe dọa ngày càng tăng đối với nguồn cung cấp lương thực và nông nghiệp của Trung Quốc.

Vốn là vựa lúa của Trung Quốc, ba tỉnh cực Đông Bắc là Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh sản xuất hơn 1/5 sản lượng ngũ cốc của cả nước này nhờ có vùng đất đen màu mỡ. Các loại cây trồng chính ở đó gồm đậu tương, ngô và lúa.

Tuần trước, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cảnh báo rằng những trận mưa lớn do bão Khanun và bão Doksuri sẽ gây ra tác động nghiêm trọng sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc.

Các cánh đồng lúa ở Đông Bắc Trung Quốc bị tàn phá sau khi những trận mưa lớn vào cuối tháng 5 đã làm ngập lụt tỉnh Hà Nam. Đây là một vùng trồng ngũ cốc lớn khác của Trung Quốc và sản xuất khoảng 1/3 sản lượng lúa mì của cả nước.

Chính quyền tỉnh Hà Nam cho biết đây là trận mưa tàn phá nặng nề nhất đối với ngành sản xuất lúa mì trong thập kỷ qua.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, những trận mưa lớn xảy ra ngay trước vụ thu hoạch đã khiến sản lượng lúa mì vụ hè của Trung Quốc năm nay giảm 0,9% - mức giảm đầu tiên trong 7 năm qua.

Các quan chức của Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng trước, các đợt nắng nóng sau đó đã thiêu đốt phần lớn miền Bắc Trung Quốc và phá vỡ kỷ lục nhiệt độ vào tháng 6, gây ra hạn hán cản trở sự phát triển của các loại cây trồng non như ngô và đậu tương.

Trong ngắn hạn, những tác động tiêu cực này đối với ngành nông nghiệp của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến giá lương thực. Giá lương thực Trung Quốc vốn vẫn tương đối ổn định trong những tháng gần đây do rủi ro giảm phát đang gia tăng trong nền kinh tế, trái ngược hẳn tình hình lạm phát đang diễn ra với lạm phát ở nhiều nước.

Tuần trước, Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế chống bán phá giá đối với lúa mạch nhập khẩu của Australia, vốn được áp dụng vào năm 2020 khi căng thẳng ngoại giao giữa hai nước lên đến đỉnh điểm.

Trung Quốc đã trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vào mùa hè năm 2022, gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm và công nghiệp.

Từ đó, Trung Quốc đã tăng cường tập trung vào an ninh lương thực. Vào tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nông nghiệp là nền tảng của an ninh quốc gia. Ông nói trong một bài báo: “Một khi nông nghiệp gặp trục trặc, bát cơm của chúng ta sẽ nằm trong tay người khác và chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào người khác để có thức ăn. Làm sao mà chúng ta có thể đạt được hiện đại hóa trong trường hợp đó?”

Theo Báo Tin tức
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC 2024:
Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa

Trong bài phát biểu bằng văn bản tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC 2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương đan xen sâu sắc vào cấu trúc toàn cầu hóa kinh tế và hiện là một cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau với những lợi ích chung và tương lai chung.

Cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu hóa
Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024

Ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2024, thương mại của Trung Quốc đạt được với các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chạm mốc cao kỷ lục, vượt 21 nghìn tỷ NDT (2,91 nghìn tỷ USD). Kết quả này đã nhấn mạnh sự hội nhập kinh tế sâu rộng và kết nối thương mại mạnh mẽ giữa các bên.

Thương mại của Trung Quốc với APEC đạt kỷ lục mới trong 10 tháng đầu năm 2024
Trung Quốc khảo sát tìm hiểu “nỗi sợ sinh con” của người dân

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đang tiến hành khảo sát 30.000 người để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ đối với việc sinh con và “nỗi sợ sinh con” của người dân, trong bối cảnh chính quyền nước này phải chật vật để thúc đẩy tỷ lệ sinh đang suy giảm.

Trung Quốc khảo sát tìm hiểu “nỗi sợ sinh con” của người dân
Return to top