ClockThứ Tư, 27/03/2019 08:09

“Bài học” chua xót

TTH - Tòa án Nhân dân huyện Phú Vang vừa xét xử vụ án “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Nạn nhân trong vụ án là bé gái chậm phát triển trí tuệ, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Vụ án là lời cảnh báo, đừng để trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm, cũng là lời nhắc nhở người thân, gia đình cần cẩn thận hơn để bảo vệ con em mình

Trong vụ án này, bị cáo (55 tuổi) và gia đình nạn nhân đều ở cùng một xóm tại xã Phú Dương, huyện Phú Vang. Chiều hôm đó, C. đạp xe đến nhà người bác ruột của cháu Y. chơi, nhưng người này không có ở nhà. Cạnh nhà bác ruột của mình, C. thấy cháu Y. đang ngồi xem ti vi trong nhà, còn bố cháu Y. đang ngủ. C. nảy sinh tà ý, bèn rủ cháu Y. đến một trường học gần đó. Cháu Y. đồng ý. Vì ngày nghỉ nên trường khóa cổng, các phòng cũng khóa, C. bảo cháu Y. trèo hàng rào vào, đồng thời bảo cháu đến phòng vệ sinh của giáo viên. Tại đây, khi C. đang thực hiện hành vi phạm tội thì bị người chú ruột của cháu Y. phát hiện. Sau sự việc, gia đình cháu Y. có đơn trình báo công an.

Tại phiên tòa xét xử, nghe bị cáo khai nhận mọi hành vi phạm tội trước hội đồng xét xử, người vợ ngồi phía sau gục mặt xuống bàn để giấu những hàng nước mắt chua xót, nhưng đôi vai gầy guộc của bà cứ rung lên. Những người con (đều đã trưởng thành) của bị cáo cũng ngồi cúi mặt lặng lẽ.

Nhà bị cáo và nhà của cha mẹ, chú, bác ruột của bị hại đều ở cùng một thôn. Bị cáo và bác ruột bị hại thường cùng nhau đi làm thợ nề. Bị cáo phân bua rằng, vì hôm đó có uống rượu nên không làm chủ được hành vi. Thẩm phán nghiêm khắc phân tích, bị cáo đừng lấy rượu ra để bào chữa, bởi phạm tội trong trạng thái sử dụng bia rượu không những không được giảm nhẹ trách nhiệm mà ngược lại. Trả lời câu hỏi của tòa, bị cáo bật khóc: “Những ngày ngồi trong trại tạm giam bị cáo đã khóc rất nhiều vì hối hận, vì thương vợ, thương con...”.

Cũng trả lời các câu hỏi của tòa, bố mẹ bị hại trình bày: Vẫn biết con bệnh tật, chậm phát triển tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo khổ, cả vợ và chồng đều phải ra ngoài làm thuê làm mướn mưu sinh nên phải để con ở nhà một mình mà không có ai giám sát, chăm sóc. “Thế nhưng hôm xảy ra chuyện, bố của bị hại có mặt ở nhà, đang nằm ngủ trong nhà, vì sao lại lơ là đến độ để người khác thực hiện hành vi xấu đối với con mình?”. Người bố phân bua hôm đó đến giúp đám cho một gia đình trong thôn, mệt nên về ngủ say quá.

Hội đồng xét xử phân tích: Bị cáo trong vụ án nói riêng và bất cứ ai (nhất là những người quen, thân với nạn nhân) lợi dụng các cháu còn nhỏ tuổi hoặc bị khiếm khuyết về tâm thần, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn bận rộn mưu sinh của cha mẹ các cháu để cố tình phạm tội là hành vi đáng lên án, cần bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Mặt khác, người thân trong gia đình cũng cần ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ con cháu mình. Bởi sự chủ quan hay lơ là của người thân sẽ vô tình “tạo điều kiện” cho kẻ xấu có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội; con em mình dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm.

Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 22/11, tại thị trấn Phú Đa (Phú Vang), Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo- Người tàn tật vàTrẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng phối hợp Hội Người khuyết tật- Bảo trợ người khuyết tật & trẻ mồ côi Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình trao quà hỗ trợ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 6,với tổng trị giá gần 127 triệu đồng.

Trao quà trị giá gần 127 triệu đồng cho người dân có hoàn cảnh khó khăn

TIN MỚI

Return to top