Thời gian gần đây, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử nhiều vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” thông qua việc mua bán đất, nhà ở. Thủ đoạn chủ yếu của các bị cáo là có hành vi đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật rồi bán nhiều lô đất, nhà ở không thuộc quyền sử dụng, hoặc đưa ra thông tin giả mạo về tỷ lệ được thu tiền đặt cọc khi môi giới bán các căn hộ rồi chiếm đoạt tiền của người mua.
Vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” của “bộ sậu” lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Khải Tín - chuyên mua bán BĐS, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng là ví dụ điển hình.
Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2020 - 11/2021, Tống Phước Hoàng Hưng (SN 1985, trú phường Vỹ Dạ, TP. Huế) - Chủ tịch HĐQT, Phan Minh Thi (SN 1983, trú TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) - Tổng Giám đốc, Nguyễn Hà Tấn (SN 1971, trú phường Vỹ Dạ, TP. Huế) - nhân viên, đã lấy danh nghĩa Công ty Khải Tín, có hành vi đưa ra thông tin gian dối, không đúng sự thật rồi bán nhiều lô đất không thuộc quyền sử dụng của Công ty Khải Tín, chiếm đoạt tiền của người mua đất.
Trong năm 2021, các đối tượng trên dùng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt của 3 cá nhân tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Ở vụ này, Hưng và Thi biết việc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quảng Điền tổ chức bán đấu giá các lô đất tại Khu dân cư Vân Căn, thị trấn Sịa nên quyết định tham gia đấu giá nhằm mục đích bán kiếm lời. Sau khi đấu giá trúng 3 lô đất ở Quảng Điền, các đối tượng đăng thông tin bán các lô đất này trên mạng xã hội và giao cho nhân viên môi giới tìm khách hàng. Khi hết thời hạn nộp tiền vào ngân sách nhà nước, nhưng Công ty Khải Tín không có tiền để nộp nên UBND huyện Quảng Điền có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá các lô đất này. Dù được báo cáo, nhưng Hưng vẫn chỉ đạo nhân viên môi giới rao bán khiến 3 người dính "bẫy", lừa đảo tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2020, Hưng và Thi dùng thủ đoạn gian dối, chiếm đoạt tiền đặt cọc của 13 cá nhân tổng số tiền hơn 17,8 tỷ đồng bằng việc bán các lô đất không thuộc quyền sử dụng tại số 67 Vạn Xuân, phường Kim Long, TP. Huế.
Khu đất số 67 Vạn Xuân với 23 lô đất, do ông Trương Đình Hưng (SN 1969, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh) sở hữu và thế chấp tại ngân hàng với số tiền 20 tỷ đồng. Ông Hưng chỉ giao dịch chuyển nhượng các lô đất này cho Công ty Khải Tín do Thi làm giám đốc và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 23 lô đất đang thế chấp tại một ngân hàng ở Quảng Bình. Tống Phước Hoàng Hưng chỉ đạo nhân viên công ty quảng cáo các lô đất nêu trên là "Dự án Vạn Xuân Compound do Công ty Khải Tín làm chủ đầu tư" để chuyển nhượng cho khách hàng.
Sau đó, Công ty Khải Tín đã nhận tiền của người mua, giải chấp tại ngân hàng, trả tiền cho ông Trương Đình Hưng số tiền còn lại của lô đất. Đối với các lô đất còn lại, Thi và Hưng đã lập hợp đồng chuyển nhượng và thu của 13 khách hàng số tiền gần 18 tỷ đồng nhưng không trả cho ông Hưng và ngân hàng ông này thế chấp vay mà chiếm đoạt chi tiêu cá nhân. Ngoài ra, Hưng và Thi dùng thủ đoạn gian dối, thu tiền mua căn hộ tại dự án Shophouse tại ở TP. Huế rồi chiếm đoạt của một cá nhân số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo chủ tọa phiên tòa, các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ, nếu xâm phạm sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm, nhưng vẫn liên tiếp dùng thủ đoạn gian dối, cố ý chiếm đoạt số tài sản rất lớn của nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn. Hành vi của bị cáo thể hiện sự táo bạo, liều lĩnh, xem thường pháp luật.
Hội đồng xét xử tuyên án Tống Phước Hoàng Hưng 20 năm tù, Phan Minh Thi 15 năm tù, Nguyễn Hà Tấn 7 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Tháng 1/2024, Tòa án nhân dân tỉnh cũng đưa ra xét xử một vụ án tương tự. Nguyễn Phước Bình (SN 1991, trú phường Phước Vĩnh, TP. Huế, giám đốc một công ty kiến trúc) do muốn có tiền để hoạt động công ty đã vay mượn, nhận tiền đặt cọc bán nhà và đất để chiếm đoạt của 3 cá nhân số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh đã xét xử hàng chục vụ án lừa đảo tương tự. Xuất phát từ nhu cầu mua bán đất ở, đất nền của người dân, nhiều đối tượng đã nắm cơ hội này để “giăng bẫy” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Các đối tượng đã sao chụp để làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi đăng tải thông tin bán đất lên các trang mạng xã hội để câu nhử người mua. Đồng thời, cung cấp thông tin và dẫn người mua đất đi xem đất để tạo sự tin tưởng. Tiếp đó, người mua đất chồng tiền đặt cọc lô đất thì chúng chiếm đoạt rồi “cao chạy, xa bay”.