ClockThứ Hai, 11/07/2016 10:57
ĐẤT BÀ LÊ THỊ THUẨN NẰM TRONG HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG SẮT:

Đang đề nghị thu hồi, bố trí tái định cư

TTH - Nhà bà Lê Thị Thuẩn (ở tổ 3 khu vực I phường An Hòa, TP. Huế) vi phạm lộ giới đường sắt, lấn chiếm mồ mả nhưng không hiểu sao vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với 280m2 đất? Đây là nội dung phản ánh thể hiện trong “Đơn cung cấp thông tin và phản đối việc cấp “sổ đỏ” cho bà Thuẩn”, gửi đến Báo Thừa Thiên Huế.

Bà Thuẩn xây dựng trên đất được cấp “sổ đỏ” nhưng vị trí đất nằm trong hành lang an toàn giao thông nên bị đình chỉ thi công

Nội dung đơn phản ánh sự việc như sau: Sau khi lấy chồng (người địa phương khác đến) bà Thuẩn làm một căn nhà tạm cạnh đường sắt, xung quanh là mồ mả (mộ có chủ và mộ vô chủ còn gọi là mộ làng). Ở một thời gian, bà Thuẩn thuê người dời trộm mộ (lấn chiếm mồ mả), lấp đất, nới rộng diện tích. Mặt khác, thửa đất bà Thuẩn đang sử dụng vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Vậy nhưng không hiểu vì sao bà Thuẩn lại được cấp sổ đỏ vào tháng 7/2014 đối với diện tích 280m2. Thời gian gần đây, lợi dụng việc mở rộng QL 1A, bà Thuẩn thuê xe ủi, xe múc san lấp mặt bằng trên mồ mả. Bà con phản ánh thì cán bộ địa chính phường và tổ trưởng dân phố tổ 3 cho dời hàng rào và bụi hóp trên mồ mả (tức ý nói dung túng, hợp thức hóa việc lấn chiếm-pv). Những việc làm nêu trên là vi phạm, xem thường luật pháp.

Ông Lê Xuân B (ngoài 80 tuổi), cho hay: Ông không biết và không tham gia việc làm đơn. Tuy nhiên theo ông sau giải phóng, khi vợ chồng bà Thuẩn đến ở tại vị trí đất nói trên, có việc bà lấn chiếm mộ làng (mộ vô chủ). Người dân cũng có ý kiến với bà, nhưng thấy hoàn cảnh gia đình bà quá khổ nên cũng “cho qua”, không phản ánh, khiếu nại đến chính quyền địa phương (xã Hương Sơ cũ).

Chính quyền địa phương thực hiện đúng quy trình

Bà Nguyễn Thị Hải, cán bộ địa chính (được Chủ tịch UBND phường An Hòa bố trí làm việc với phóng viên Báo Thừa Thiên Huế) cho biết: Làng Triều Sơn Tây trước đây thuộc xã Hương Sơ, huyện Hương Trà. Đến tháng 3/2007, sau khi tách 2 phường An Hòa và Hương Sơ thì Triều Sơn Tây thuộc phường An Hòa. Tại sổ mục kê đất (ký năm 2000, lập theo bản đồ đo đạc địa chính xã Hương Sơ số 31 năm 1996-1998) thể hiện thửa đất nêu trên bà Thuẩn đăng ký, kê khai số thửa 12 tờ bản đồ 31, diện tích 352,9m2.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương thông báo đến toàn thể Nhân dân. Năm 2013, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy của bà Thuẩn, sau đó chuyển về UBND phường An Hòa (theo cơ chế một cửa liên thông). Theo đó, bà Thuẩn kê khai thửa đất nêu trên thuộc tờ bản đồ số 18 của phường An Hòa (số cũ 31), diện tích 270,7m2 (theo số liệu đo đạc của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ngày 22/8/2013).

Sau khi nhận hồ sơ, UBND phường niêm yết công khai trong 15 ngày, đồng thời xác nhận nguồn gốc và quá trình sử dụng đất. Nguồn gốc đất: bà Thuẩn kê khai bà khai hoang năm 1982, cùng năm đó làm nhà ở. Do đó, UBND phường tiến hành xác minh, lấy ý kiến trong khu dân cư (phiếu lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất ngày 6/6/2013).

Trong quá trình cơ quan chức năng thực hiện việc cấp giấy cho bà Thuẩn, UBND phường An Hòa có công văn số 30 ngày 24/6/2013 gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin liên quan đến thửa đất số 12 tờ bản đồ 18 (31 cũ) tọa lạc tại tổ 3 khu vực I, phường An Hòa (do vợ chồng bà Thuẩn đang quản lý sử dụng), nội dung: “Qua xác minh lấy ý kiến các nhân chứng sử dụng đất cùng thời điểm, thì thửa đất trên do ông bà Lê Văn Cháu- Lê Thị Thuẩn tự khai hoang làm nhà ở vào thời điểm năm 1986. Tại thời điểm ông Cháu bà Thuẩn khai hoang trước đây không bị UBND xã Hương Sơ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính về việc lấn chiếm đất công và quá trình sử dụng đất đến nay không lấn chiếm thêm đất công. Theo bản đồ 299 xã Hương Sơ cũ, thửa đất hiện ông Cháu bà Thuẩn đang quản lý sử dụng thuộc một phần của thửa số 513 tờ bản đồ 05 diện tích 8150m2, loại đất nghĩa địa”.

Đề nghị thu hồi đất, bố trí tái định cư

Trong thời gian niêm yết công khai theo quy định, không có bất kỳ khiếu nại nào, do đó UBND phường An Hòa chuyển hồ sơ nói trên cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Sau đó, vợ chồng bà Thuẩn đã được UBND TP. Huế cấp sổ đỏ. 

Theo Luật Đường sắt mới nhất (quy định hành lang an toàn 15 mét), hầu hết diện tích thửa đất của bà Thuẩn nằm trong hành lang an toàn đường sắt. Do đó, mặc dù thửa đất của hộ bà Thuẩn được cấp sổ đỏ, nhưng không được phép xây dựng. Trước hiện trạng nhà ở xuống cấp trầm trọng không thể gia cố được, gia đình bà Thuẩn tự ý khởi công xây dựng nhưng đã bị UBND phường ra quyết định đình chỉ. Đồng thời, ngày 23/6/2016, UBND phường đã phối hợp Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên, Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt Công an Thừa Thiên Huế và thanh tra đường sắt thống nhất có tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi thửa đất, bố trí tái định cư cho hộ bà Thuẩn, ổn định cuộc sống cho người dân.

Về nội dung đơn cho rằng cán bộ địa chính phường và tổ trưởng tổ 3 dời hàng rào để dung túng cho hành vi lấn chiếm đất của bà Thuẩn, bà Hải cho biết: Quá trình sử dụng đất sau ngày được cấp giấy, hộ bà Thuẩn đổ đất từ nhà ra giáp đường quốc lộ. Ngày 23/3/2016, UBND phường An Hòa lập biên bản làm việc với hộ bà Thuẩn, lý do: Việc đổ đất tràn sang thửa 209 tờ bản đồ số 14 do UBND phường quản lý đoạn đang thi công Quốc lộ 1A, yêu cầu hộ bà Thuẩn ngưng tiến hành đổ đất khi UBND phường chưa cắm mốc phân định ranh giới giữa 2 thửa... Sau đó, cán bộ UBND phường thực hiện đo đạc cắm mốc có tổ trưởng tổ 3 và gia đình bà Thuẩn chứng kiến (chứ không phải như phản ánh).

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông

Theo một bài phân tích trên trang CNA, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thương mại trong khu vực thông qua việc xây dựng mạng lưới giao thông và hậu cần tốt hơn. Điều này cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên tự bảo vệ mình khỏi những rủi ro địa chính trị và kinh tế đang ngày càng gia tăng.

ASEAN nỗ lực thúc đẩy thương mại nội khối thông qua tăng cường kết nối giao thông
Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

Dự án (DA) Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư. Theo phương án đề xuất trình Quốc hội, DA Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài toàn tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, trong đó có Huế. DA được thiết kế có tốc độ 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…

Kỳ vọng đường sắt tốc độ cao

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top