ClockThứ Ba, 21/04/2015 16:23

Đừng để tiền mất tật mang

TTH - Trên các trang mạng xuất hiện nhiều hình thức rao bán bằng giả khá công khai, bỏ ra vài triệu đồng là có thể sở hữu một tấm bằng từ trung học phổ thông, cao đẳng, đại học.

Nhận làm các loại bằng giấy tờ

Những trang facebook mua bán bằng, nhan nhản lời giới thiệu: “Làm bằng đại học, cao đẳng và tất cả các loại văn bằng khác trên toàn quốc uy tín chất lượng hàng đầu. Miễn giảm 20% chi phí cho người có hoàn cảnh khó khăn (có giấy xác nhận hộ nghèo). Không làm bằng cấp liên quan tới ngành y, dược, công an và quân sự...”.
Rao bán bằng giả trên mạng xã hội
Trong vai một người cần mua bằng của một trường đại học để xin việc, chúng tôi liên hệ đến số điện thoại của một người tên D (093271xxxx) tư vấn: “Em chỉ cần cung cấp thông tin liên quan gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, năm tốt nghiệp, ngành học, trường nào, xếp loại tốt nghiệp. Sau đó, chuyển khoản cho anh 30% trong tổng số tiền, khoảng 4 ngày anh sẽ chuyển bằng cho em, rồi em thanh toán số tiền còn lại”.
Khi hỏi về giá cả, người này cho biết làm bằng đại học giá 9 triệu đồng. Nhưng khi chúng tôi trình bày hoàn cảnh khó khăn, chưa đi làm còn có con nhỏ thì người này giảm xuống còn 7 triệu đồng. Thêm một hồi mặc cả, số tiền làm bằng giả còn 6,5 triệu đồng. “Làm bằng thế này chẳng lời lãi bao nhiêu đâu em”, D phân trần.
Không chỉ làm bằng đại học, một số tài khoản trên mạng còn nhận làm các loại bằng, giấy tờ khác cụ thể như: bằng tiến sĩ, thạc sĩ, bằng cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông, trung học cơ sở và các chứng chỉ nghề, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với giá từ 1 đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, những người này còn nhận làm các loại giấy tờ khác như: sổ đỏ, sổ hồng, sổ hộ khẩu, CMND, giấy phép lái xe, giấy tờ xe với giá từ 1 đến 10 triệu đồng.
 
“Bằng giả, chất lượng thật?”
Theo điều 267 Bộ luật Hình sự: Người nào làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Trường hợp phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Trong vai một cử nhân ra trường nhưng khó xin việc, chúng tôi điện thoại liên hệ với một người tên S, khi ngỏ ý muốn mua bằng thạc sĩ kinh tế, người này ra giá “20 triệu đồng”.
Nghe khách hàng lo ngại về chất lượng bằng, sợ bị phát hiện bằng giả sẽ ảnh hưởng tới công việc sau này, người này tỏ ra đon đả hơn: “Nếu em muốn mua bằng có hồ sơ gốc tại các trường thì giá lên tới 70 triệu đồng. Bù lại anh sẽ đảm bảo cung cấp cho em bằng thật 100%. Em không cần sợ anh lưu giữ thông tin của em bởi những người khi liên hệ làm bằng, anh sẽ bảo mật thông tin hoàn toàn. Sau khi giao hàng xong, mọi thông tin của em phía anh sẽ tự động xoá. Anh sẽ bao luôn cho em 20 bản photo công chứng và cả bảng điểm trong quá trình học, lưu hồ sơ gốc tại trường”(?!!).  .
Khi tỏ ý nghi ngờ chất lượng những tấm bằng này, người này cam đoan: “Anh làm bằng đảm bảo uy tín, chất lượng phôi thật 100%, mộc đỏ đóng, mộc chìm, tem 7 màu và có 6 cánh, mộc giáp lai nổi và mộc đóng 100%, bao soi, đạt chất lượng cao”.
Lời quảng cáo bằng được làm thật 100%, có cả hồ sơ gốc khiến chúng tôi băn khoăn, liệu có sự móc nối, tay trong giữa nhân viên các trường với những đối tượng làm bằng giả? Hay các đối tượng tự đánh bóng để dễ tiếp thị. Đối tượng rao bán bằng trên các trang mạng xã hội đa số đều là người ngoại tỉnh, họ yêu cầu chuyển khoản trước 30% số tiền làm bằng. Liệu đây có phải là một mánh khoé để lừa đảo chiếm đoạt 30% chi phí làm bằng của những người cả tin không?
Vừa qua, Công an tỉnh đã đánh sập đường dây làm giả chứng chỉ sư phạm dạy nghề. Đã khởi tố 6 đối tượng có hành vi giúp sức, môi giới làm giả chứng chỉ sư phạm dạy nghề của một số trường đại học, cao đẳng “giúp” nhiều người vào làm giáo viên hợp đồng tại Trung tâm đào tạo nghề Tâm An. Những người có nhu cầu làm bằng giả và đối tượng làm giả liên hệ với nhau chủ yếu qua internet hoặc môi giới móc nối với nhau để thực hiện mua giấy tờ giả.
Vụ việc này là lời cảnh tỉnh cho những người đã và đang có hành vi mua bán bằng, chứng chỉ giả tránh tình trạng tiền mất tật mang.
 
Th.s Hoàng Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Thuận Hoá: “Cần quản lý chặt chẽ việc cấp các văn bằng, chứng chỉ”
Cụm từ “bằng cấp giả” có thể hiểu theo 2 nghĩa: một là bằng cấp có nguồn gốc giả (in giả); hai là bằng cấp thật nhưng người học là “giả”. Dù cái gì giả cũng rất nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Việc siết chặt quản lý trong cấp các văn bằng, chứng chỉ là điều cần thiết. 
Về phía nội bộ, tức Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chấn chỉnh, nâng cao năng lực của những người có thẩm quyền như: giám đốc sở, hiệu trưởng các trường...Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng mẫu bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc đảm bảo nội dung đầy đủ, chính xác; thực hiện việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ từ sổ gốc theo trình tự, thủ tục quy định. Công khai, minh bạch hoạt động đào tạo và cấp văn bằng, chứng chỉ giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể kiểm tra, giám sát hoạt động cấp phát văn bằng, chứng chỉ, hạn chế tình trạng gian lận và tiêu cực trong việc cấp văn bằng, chứng chỉ. Về phía xã hội cần nâng cao tính cảnh giác, huy động được người dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm liên quan đến việc làm giả các văn bằng, từ đó có hướng xử lý nghiêm theo pháp luật.
 
Ông Tôn Thất Dụng, Trưởng phòng Đào tạo Đại học, Trường Đại học Sư phạm Huế:  “Xác minh tại trường mới chứng thực được bằng thật, bằng giả”
Hiện nay, việc nhận diện bằng giả, bằng thật bằng mắt thường không dễ. Nếu như trước đây, phôi bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo in và cấp cho các trường, chữ viết trên bằng được viết bằng tay thì ở một mức độ nào đó nhìn bằng mắt thường có thể phân biệt được thật, giả. Nhưng hiện nay, phôi bằng được giao cho các trường lớn in ấn, chữ viết tay trước đây đều thay thế bằng in máy nên việc nhận diện khó khăn hơn. Vì thế, để chứng minh bằng thật hay bằng giả, chỉ còn cách tiến hành xác minh tại trường.
Thực tế hàng năm đều có các đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị nước ngoài gửi công văn về trường xin xác minh thông tin đối tượng tuyển dụng. Hay đơn giản hơn, cơ quan, tổ chức sử dụng người có tấm bằng đại học chỉ cần vào cổng thông tin điện tử của trường gõ số hiệu bằng và tên người được cấp bằng thì sự thật về tấm bằng đó sẽ được phơi bày. Bởi vì, người được lưu hồ sơ thông tin trích ngang, số hiệu bằng, có tên trong danh sách được cấp chứng nhận tốt nghiệp… mới được nhà trường cấp bằng.
Hoàng Loan (ghi)

 

Bài, ảnh: Quan Loan
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc

Ngày 20/12, Công an TP. Huế cho biết, trong đợt ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố đã liên tục phối hợp bắt giữ nhiều đối tượng tổ chức đánh bạc.

Liên tục bắt giữ các đối tượng tổ chức đánh bạc

TIN MỚI

Return to top