ClockThứ Hai, 13/02/2017 13:31

Hậu quả “ngáo đá”

TTH - Gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy đá có chiều hướng gia tăng. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều trường hợp thanh niên “ngáo đá” tự gây tử vong, thương tích cho bản thân hoặc gây rối, ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Giới trẻ dùng ma túy đá xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do bạn bè rủ rê, lôi kéo hoặc chủ động tìm đến để thỏa mãn trí tò mò, thể hiện đẳng cấp của dân chơi… Vùi mình vào thứ ảo giác sinh ra từ “đá”, giới trẻ không ngờ rằng chính mình đang trở thành mầm mống cho các loại tội phạm nguy hiểm trong xã hội.

Công an ra lệnh bắt giữ đối tượng mua bán ma túy tổng hợp số lượng lớn (thứ 2 từ trái qua)

Hoang tưởng

Những ngày đầu năm 2017, đối tượng Trương Nguyễn Nhật L. (23 tuổi, trú phường Phú Hậu, TP. Huế) mang theo 2 chai xăng xông vào trụ sở Công an phường Phú Hậu để đe dọa. Một nhân chứng cho biết, khi cán bộ chiến sĩ đơn vị chuẩn bị hết giờ làm việc buổi sáng thì đối tượng L. bất ngờ mang theo 2 chai xăng xông vào trụ sở. Sau một hồi la hét, đối tượng cầm xăng đe dọa lực lượng công an. Để đảm bảo an toàn, Công an Phú Hậu đã gọi điện báo lực lượng cảnh sát cơ động tỉnh phối hợp và đã khống chế thành công L, đưa đối tượng đến bệnh viện tâm thần. Được biết, đối tượng L. nghiện ma túy nặng. Thời điểm cầm xăng xông vào trụ sở công an phường, L. có biểu hiện “ngáo đá”. Trước đây, địa phương và người nhà đã nhiều lần đưa L. đến Bệnh viện Tâm thần Huế điều trị nhưng chỉ sau một vài tháng, L. lại tìm cách bỏ trốn ra ngoài.

Trước đó, một số người dân gần Bến xe phía Nam TP. Huế thấy một thanh niên ngồi ở một quán nước vỉa hè, mắt nhìn qua nhìn lại với nhiều biểu hiện bất thường, tâm trạng lo sợ. Sau khi đi bộ một đoạn, nam thanh niên có biểu hiện sợ hãi khi gặp một số người đi đường. Chỉ trong giây lát, người thanh niên chạy vào trụ sở một đơn vị gần Bến xe phía nam TP. Huế rồi chạy lên tầng 2, nhảy xuống và tử vong tại chỗ. Qua xác minh, trường hợp này trước khi nhảy lầu có sử dụng ma túy dạng đá và từng đến cơ sở y tế điều trị về bệnh tâm thần.

Đáng chú ý nhất là trường hợp H.V.S (31 tuổi, trú Phong An, Phong Điền) trong lúc “ngáo đá” nuốt 30 que sắt (mỗi que dài khoảng 10cm) vào người. Mặc dầu được cứu chữa kịp thời nhưng trường hợp này trở thành nỗi ám ảnh đối với các bác sĩ khi lần đầu tiên chứng kiến một ca bệnh có một không hai này. S. từng sử dụng ma túy đá và từng mắc chứng bệnh tâm thần. S. cũng từng vào cơ sở y tế điều trị, nhưng sau một thời gian đã trở về cộng đồng.

“Phòng” hơn “chống”

Một điều tra viên chia sẻ, ma túy đá rất nguy hiểm, khiến người sử dụng bị đánh lừa cảm giác hệ thần kinh hay còn gọi là loạn tâm thần. Người sử dụng bị ảo giác về sức khỏe, vị trí trong xã hội, tự gây thương tích như nhảy từ trên nhà cao tầng xuống đất mà không biết sợ… Có những trường hợp do hệ thần kinh không chịu đựng được khi sử dụng ma túy đá đã mất kiểm soát và gây nên ảo giác, hoang tưởng rồi thực hiện các hành vi bất thường, lệch chuẩn. Hiện, trong xã hội vẫn còn nhiều đối tượng “ngáo đá” từng mắc bệnh tâm thần vẫn đang chung sống với cộng đồng.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh cho biết, ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine và Amphetamine được pha trộn phức tạp từ các nguyên liệu tự nhiên và hóa chất khác nhau, trong đó thành phần chính là Methamphetamine ở dạng tinh thể. Người dùng ma túy đá sẽ bị nghiện, thèm muốn quan hệ tình dục, cuồng dâm và hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi, dùng nhiều sẽ bị tâm thần, suy kiệt thể chất. Methamphetamine trong ma túy đá làm tăng nhịp tim một cách bất thường, tăng nhiệt độ cơ thể, có thể gây nguy cơ đột quỵ, tổn thương não, kích động tinh thần. Người sử dụng ma túy đá có thể có những hành động tự sát hay vô cớ cầm dao chém giết người hàng loạt. Đây chính là cơ chế đặc biệt nguy hiểm của ma túy đá. Do vậy, chúng ta cần có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy nói chung và ma túy đá nói riêng để tránh những hệ lụy mà không ai có thể lường trước do những người đang trong cơn “ngáo đá” gây ra.

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, ngoài việc đẩy mạnh đấu tranh, triệt phá các vụ án mua bán trái phép chất ma túy, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy đến tận các khu dân cư tại các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Đồng thời, hướng dẫn công an các địa phương lập hồ sơ các đối tượng nghiện ma túy, đề nghị cấp thẩm quyền ra quyết định cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cũng như cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh nhằm kiềm chế loại tội phạm gây án từ nghiện ma túy. Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng công an, rất cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng. Trong đó có vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong công tác quản lý, giáo dục con em mình hiểu rõ tác hại do ma túy gây ra.

THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Return to top