Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hóa
Đặt hàng trên mạng chỉ thông qua cái click chuột, shipper giao hàng tận nơi, và chất lượng sản phẩm thì không có cơ quan chức năng nào đảm bảo. Phương thức này khiến cho nhiều người dân lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”. Chị H.T.H (TP. Huế) là một trường hợp như vậy. Vì tin vào đối tượng bán hàng, quảng cáo trên mạng xã hội facebook, chị H. đặt mua một hộp thuốc giảm cân. Để lấy lòng tin của khách hàng, trang bán hàng này “gán ghép”, dẫn chứng những nhân vật nổi tiếng sử dụng sản phẩm có hiệu quả. Dù vậy, chỉ sau vài ngày sử dụng sản phẩm, chị H. phải nhập viện vì viêm đại tràng. Thăm khám, bác sĩ thông tin chị H. bị viêm đại tràng do sử dụng sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc. Đến nay, chị H. vẫn chưa thể điều trị dứt điểm. Liên lạc với người bán hàng, đầu dây bên kia “bặt vô âm tín”.
Không chỉ chị H., rất nhiều người dân vì cả tin những trường hợp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trá hình trên không gian mạng mà rước họa vào thân. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thừa nhận, việc lợi dụng không gian mạng, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của cán bộ y tế, cơ sở y tế vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Sản phẩm liên quan đến sức khỏe chỉ là một trong vô số mặt hàng được bán tràn lan trên không gian mạng, nhưng đó là lát cắt cho thấy người tiêu dùng đang bị lừa. Nghiêm trọng hơn, chính hình thức kinh doanh này tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xâm nhập vào cuộc sống người dân.
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 16/3, nhiều ĐBQH nêu câu hỏi nhằm tìm giải pháp chấn chỉnh thực trạng này. Trả lời tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên thông tin, đến hết năm 2021, đã thực hiện kiểm tra gần 3.000 vụ việc (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử (TMĐT) và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 20 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ đã có văn bản yêu cầu các sàn TMĐT, các website TMĐT bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19 như kit test, thiết bị đo SPO2,... có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng.
“Do các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và rất khó kiểm soát; nhận thức của người dân đôi khi còn hạn chế hoặc người mua biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết. Công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong TMĐT như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bảo vệ người tiêu dùng... vẫn còn hạn chế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu nguyên nhân.
Đến lúc này, công tác quản lý bán hàng, quảng cáo trá hình trên không gian mạng đã được nhận diện. Bên cạnh công tác phối hợp quản lý, ý thức của người tiêu dùng đóng vai trò then chốt trong việc loại bỏ những loại hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc này. Nói về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời cử tri và ĐBQH vào chiều 16/3 rằng: “Chúng tôi sẽ hoàn thiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT giai đoạn 2021-2025. Đề án với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan như: Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ ban hành trong năm 2022. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao trách nhiệm của các chủ sàn, các chủ website TMĐT đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tập trung thực hiện các hoạt động chuyển đổi số trong công tác quản lý về TMĐT…”.
Bài, ảnh: Lê Thọ