ClockThứ Tư, 29/06/2016 09:46

Luật cho phép ghi âm, nghe điện thoại bí mật để chống tham nhũng

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định cụ thể các bước áp dụng việc ghi âm, nghe điện thoại bí mật để điều tra tội phạm.

Khi nào được nghe điện thoại bí mật?

Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, đấu tranh hiệu quả với các tội phạm có tổ chức, phức tạp về ma túy, rửa tiền, tham nhũng, khủng bố trong tình hình hiện nay.

Luật có hẳn một chương (từ điều 223 đến 228) quy định sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Các biện pháp này có thể được áp dụng với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền; Các tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Về thẩm quyền, Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải tiêu hủy kịp thời.

Thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được không được sử dụng vào mục đích khác. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải quyết vụ án

Ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung

Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng quy định ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu Hiến pháp, đồng thời bảo vệ người hỏi cung, tránh bị vu cáo.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí, phù hợp với điều kiện nước ta, điều 183 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.

Luật cũng nêu rõ, trong trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm, ghi hình có âm thanh liên quan tại phiên toà (điều 313).

“Quyền im lặng” – quy định tiến bộ vượt bậc

Một trong những quy định mới có ảnh hưởng và tác động tích cực đến việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự sẽ có hiệu lực thi hành là “quyền im lặng” của bị can, bị cáo. Đây được xem là quy định tiến bộ vượt bậc, giải quyết được nhiều bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội họ khi đưa ra truy tố, xét xử.

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định chi tiết cụ thể về quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ và người bị bắt khẩn cấp tại các  điều 58 khoản 1 tiết e, điều 59 khoản 2 tiết c, điều 60 khoản 1 tiết d, điều 61 khoản 2 tiết h. Theo đó, các điều khoản này lần lượt ghi nhận: người bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Như vậy, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Trong các điều khoản trên, tuy không trực tiếp ghi nhận quyền im lặng cho người bị bắt khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhưng trong thực tế khi làm việc với các cơ quan tố tụng, họ có thể không trả lời một số câu hỏi mà họ cho là chống lại họ và họ cũng không buộc phải khai nhận mình có tội. Đây có thể được coi là một nội dung của quyền im lặng. Tuy nhiên, quyền im lặng không loại trừ quyền khai báo của người bị buộc tội.

Quyền im lặng có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với quyền bào chữa, bổ sung cho nhau để bảo đảm cho tố tụng hình sự được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người vô tội.

Như vậy, quy định trên đã mang lại một tinh thần mới trong pháp luật, mang lại một phong cách làm việc mới cho các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao mức độ bảo vệ quyền công dân và chắc chắn sẽ làm cho hoạt đông tố tụng ngày càng văn minh hơn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày 3/10, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” xảy ra tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019 - 2022; khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn “Bắt bị can để tạm giam”, “khám xét” đối với 5 đối tượng về hành vi “Nhận hối lộ” quy định tại khoản 2, điều 354 Bộ luật hình sự.

Khởi tố vụ án tham nhũng tại Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế
Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Một trong những giải pháp quan trọng mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kiểm tra, giám sát (KTGS) để ngăn ngừa, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) ngay từ sớm, từ xa, tránh bị động...

Kiểm tra, giám sát để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top