ClockThứ Năm, 12/01/2023 08:45

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo dịch vụ du lịch trên mạng xã hội

Thời gian vừa qua, lợi dụng nhu cầu của người dân đi du lịch tăng cao dịp cuối năm, nhiều đối tượng trên mạng xã hội đã rao bán các dịch vụ du lịch giá rẻ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ba nhóm lừa đảo chính trên không gian mạng Việt NamCảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới “Thông báo khóa sim hai chiều”Mở rộng vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên facebook

Khách hàng nên thận trọng với những thông tin rao bán dịch vụ du lịch giá rẻ. Ảnh: HOÀI THU

Do có nhu cầu đi du lịch cuối năm, chị N.T.T. (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) có đặt tua tham quan các tỉnh Tây Nam Bộ trên một tài khoản Facebook được giới thiệu là nhân viên tư vấn của công ty du lịch hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm. Sau khi được nhân viên tư vấn, chị T. đặt tua 4 ngày 3 đêm cho ba thành viên trong gia đình, với giá 8 triệu đồng/người, bao gồm vé máy bay, khách sạn 3 sao, các bữa ăn...

Sau đó, chị T. chuyển cho người này 3 triệu đồng tiền đặt cọc. Tuy nhiên, gần đến ngày khởi hành, chị T. nhắn tin cho người chị đặt tua hỏi thủ tục thanh toán nốt số tiền còn lại và giờ lên máy bay thì không nhận được câu trả lời. Gọi điện theo số điện thoại người này cung cấp, chị T. cũng không nhận được hồi âm.

Tương tự, anh Hoàng Hiệp, trú tại TP Hải Phòng cũng là nạn nhân của tình trạng lừa đảo du lịch trên internet. “Cuối tháng 12, tôi đăng bài tìm homestay ở Phú Quốc trên một trang Facebook chuyên về du lịch thì được một tài khoản có tên K.L. nhắn tin. Người này gửi ảnh về một căn phòng đẹp, nằm ngay sát biển với giá chỉ 1 triệu đồng/đêm. Tôi đăng ký ở 4 đêm, chuyển khoản trước 4 triệu đồng theo yêu cầu. Tuy nhiên, sau đó, tôi không còn liên lạc được với tài khoản K.L. Gọi điện đến homestay nêu trên thì được biết, giá phòng ở đây là 2 triệu đồng/đêm và chưa có ai đặt phòng cho tôi. Đến lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”, anh Hiệp chia sẻ.

Thời gian vừa qua, những người bị lừa đảo qua hình thức bán tua du lịch, đặt phòng… như những trường hợp nêu trên không hiếm. Cơ quan chức năng nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang… đã phải đăng thông tin cảnh báo du khách. Ngoài ra, một số cơ quan còn triển khai các biện pháp khác ngăn chặn tình trạng này.

Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang đã kết hợp Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, gỡ các bài đăng trên mạng có nội dung không chính xác về du lịch Phú Quốc, đăng tải đường dây nóng giúp du khách nắm thông tin chính xác, phản ánh kịp thời các hiện tượng lừa đảo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, trên các trang web, trang mạng xã hội, diễn đàn về du lịch, không khó để bắt gặp các thông tin quảng cáo về những tua du lịch, khách sạn giá rẻ. Đáng chú ý, cùng một điểm đến, số ngày lưu trú và dịch vụ tương tự nhau, nhưng chênh lệch giữa các tua là khá cao.

Tại một nhóm có tên “Review du lịch…”, xuất hiện rất nhiều thông tin đặt phòng tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp khắp cả nước. Một tài khoản có tên “Manh Nguyen” đăng thông tin cho thuê nguyên căn biệt thự ở tỉnh Hòa Bình với giá chỉ 5 triệu đồng/đêm. Phóng viên nhắn tin thắc mắc về mức giá với những căn như vậy được rao trên trang web của những công ty có uy tín thường ở mức 7 đến 10 triệu đồng/đêm.

Tài khoản “Manh Nguyen” cho biết, villa này có người đặt rồi, nhưng vì bận không đi được cho nên để lại với giá rẻ. Sau đó người này chụp ảnh đặt phòng của một người khách để tạo lòng tin, gửi ảnh villa nêu trên và yêu cầu chuyển khoản trước 50% số tiền nếu muốn thuê. Tuy nhiên, khi phóng viên đem những bức ảnh khu villa trên cho hướng dẫn viên một công ty lữ hành uy tín thì được biết, bức ảnh đó là biệt thự của một khu nghỉ dưỡng ở tận… Indonesia.

Theo tìm hiểu, ngoài việc lừa bán tua, thuê phòng khách sạn, gần đây, một hình thức lừa đảo mới xuất hiện là dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài. Trên các diễn đàn, nhiều người phản ánh về việc đặt dịch vụ xin visa với cam kết tỷ lệ “đậu” visa cao, nhưng nhiều trường hợp nhận tiền đặt cọc xong chặn liên lạc. Có trường hợp thì có hỗ trợ, nhưng theo kiểu “cho có”. Chị Nguyễn T.T., trú tại Hà Nội chia sẻ: “Tháng trước, tôi đăng ký làm visa du lịch Hàn Quốc trọn gói của một người quen trên Zalo với giá 3,1 triệu đồng.

Người này cho biết, với công việc, thu nhập của tôi chắc chắn sẽ “đậu” visa, nếu không đậu sẽ hoàn lại cho tôi toàn bộ tiền. Sau khi chuyển khoản, tôi phải tự hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, tờ khai… mà không nhận được sự trợ giúp nào. Đến khi biết mình không được cấp visa, tôi đòi lại tiền thì người kia không chịu trả lại, lấy lý do là tôi khai thông tin bị thiếu”.

Theo Giám đốc một công ty lữ hành tại quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) thì hiện nay, nhu cầu du khách đi du lịch cuối năm tăng cao, bởi vậy, nhiều đối tượng đã đưa ra những gói (combo), tua hoặc khách sạn giá rẻ để lừa đảo. Nhiều người vì ngại đi lại, không đến các công ty du lịch mà tìm thông tin trên mạng vì sự thuận tiện, nhanh chóng.

Trong khi các tài khoản mạng xã hội rất dễ lập và xóa, khi bị lừa, khách hàng sẽ không biết tìm ai đòi lại tiền hoặc khiếu nại. Vì vậy, khách hàng không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin, không có hoặc không cho phép thanh toán tiền qua tài khoản công ty, nhất là cần cảnh giác với những dịch vụ du lịch được bán với giá rẻ bất thường. Lãnh đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, thủ đoạn lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhiều nhất là đưa ra các combo giá siêu rẻ. Một số đối tượng còn lừa qua hình thức thanh lý voucher (phiếu giảm giá, ưu đãi, khuyến mại...), vé máy bay, mạo danh các hãng lữ hành lớn.

Vì vậy, nếu có nhu cầu, khách hàng nên chọn đơn vị uy tín, có tên tuổi. Để yên tâm hơn, khách hàng có thể yêu cầu xem giấy phép hoạt động kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… của công ty lữ hành, du lịch.

Theo nhandan.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội

Nhằm cải thiện chỗ ở cho người thu nhập thấp, từ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, với mục tiêu đến năm 2025 có thêm 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhưng đến thời điểm này có thể thấy, kế hoạch có nguy cơ “phá sản”. Trong khi đó, nhiều khu nhà ở tái định cư lại bị bỏ hoang, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu-thừa nhà ở xã hội
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top