ClockThứ Năm, 13/06/2024 16:14

Nghiên cứu "độ trễ" cần thiết để ngăn nạn lừa đảo trên không gian mạng

TTH.VN - Cách đây chừng 1 tháng, tôi bị sập bẫy lừa đảo trên mạng. Chỉ trong vòng nháy mắt, bao nhiêu tiền trong tài khoản (TK) của tôi ở Ngân hàng Ngoại thương (VCB) đều bị chuyển sang một TK khác ở Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV).
 Khách đang thực hiện chuyển tiền mua dịch vụ qua ngân hàng số.

Nhận ra bị sập bẫy, tôi đã lập tức gọi và gặp được nhân viên tổng đài VCB để thông báo, yêu cầu hỗ trợ các nghiệp vụ cần thiết. Tuy nhiên, khả năng thu hồi tiền bị đánh cắp chắc là khó, tôi đã nghĩ như vậy.

Sáng nay, nhân viên từ VCB gọi cho tôi thông báo họ đã liên hệ với BIDV nhưng không thể thu hồi được tiền đã mất. Không sai so với dự đoán. Tôi cũng đã báo với cơ quan công an vụ việc của mình, nhưng hy vọng lấy lại tiền đã mất chắc cũng rất mong manh.

Việc xảy ra rồi bây giờ ngồi ngẫm lại, thấy mình phản ứng rất nhanh mà vẫn không kịp ngăn chặn hậu quả, thật rất tiếc và cả rất tức.

Nhập mật khẩu vừa xong, thấy tin báo biến động số dư, tiền bị chuyển đi, biết ngay lừa đảo nên tôi lập tức tắt kết nối web, đồng thời gọi ngay tổng đài nhờ hỗ trợ. Xong là đến cơ quan công an trình báo ngay. Đến cơ quan công an thì quy trình khó nhanh được, phải khai báo, viết tường trình này nọ để cơ quan này có cơ sở xử lý. Song, với ngân hàng thì rẹt rẹt. Gọi cái là người ta vào hệ thống, sau khi yêu cầu cung cấp tên tuổi, số điện thoại, số căn cước công dân là nhân viên hỗ trợ nói vanh vách ngay, giờ nào, ngày nào TK của tôi thực hiện giao dịch gì, với ai; số tiền vừa bị kẻ gian chiếm đoạt là bao nhiêu, số TK được dùng để chiếm đoạt ở ngân hàng nào, tên gì… biết cả. Tính ra từ lúc tiền bị rút cho đến lúc làm việc xong với tổng đài chỉ khoảng 10-15 phút, nhưng tiền mất thì cuối cùng không ngăn chặn được. Chỉ còn biết… kêu trời!

Ngân hàng số tiện lợi, nhưng cũng dễ bị kẻ gian lợi dụng để lừa đảo những người cả tin, ít kinh nghiệm. 

Ngân hàng số thật nhanh chóng, tiện lợi, nhưng cũng cực kỳ nguy hiểm nếu “trú trớ”, sơ xuất. Trách gì tôi có người bạn, anh bảo có gì cần giao dịch thì gửi tiền nhờ người có TK họ giúp cho, chứ anh thì cương quyết không ngân hàng số, chẳng ATM…, “Chấp nhận lạc hậu, bởi mình biết mình chậm, mở ra có ngày sẽ sự cố, sẽ mất tiền, rồi phiền não. Mệt!”- Anh trình bày lý do không mở TK ngân hàng. Tôi từng “cười nhạo”, chọc quê và động viên anh mạnh dạn mở TK, tải app mà giao dịch cho nó văn minh tiến bộ với thiên hạ, chứ thế kỷ 21 đi được một phần tư chặng đường rồi, ai đời… Bây giờ nghe tôi than phiền bị dính quả lừa, anh cười đắc thắng trông…phát ghét.

 Khách đến mở TK tại ngân hàng ngày càng phổ biến, do vậy một cơ chế để chống nạn lừa đảo trên không gian mạng là rất cần thiết

Nhưng cũng từ “trải nghiệm” của mình lại nghĩ, nếu có cơ chế để tạo một khoảng trễ nhất định trong việc xê dịch các khoản tiền từ TK này sang TK khác, chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn được thủ đoạn của kha khá kẻ gian.

Chỉ cần khoản tiền di chuyển chậm chừng nửa tiếng thôi, tôi nghĩ ngân hàng sẽ dư thời gian để giúp bảo vệ khách hàng của mình khi được gọi cầu cứu, chặn được âm mưu ăn cướp của bọn lừa đảo trên mạng. Tôi không phải là nhà kinh tế, nên không biết việc tạo ra độ trễ của việc dịch chuyển các khoản tiền có “lợi-hại” gì không, được phép hay không được phép? Tuy nhiên, trong giai đoạn mà nạn lừa đảo bùng nổ trên môi trường mạng như thế này, nghiên cứu để cho phép có một độ trễ như vậy là một động thái theo tôi rất là cần thiết.

Tiền chuyển đi chậm 30 phút, 1 tiếng chưa chết ai; chứ chuyển đâu chạy đấy thì sẽ có khối người chết. Và thực tế đã có khối người chết như vậy rồi. Cho nên, với tư cách là một khách hàng, cũng là một nạn nhân, rất mong các ngân hàng, cơ quan quản lý tài chính, ngân hàng ghi nhận đề xuất và nghiên cứu giải pháp.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận

Ngày 22/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Phương Ngọc (SN 1987, trú tại 383 Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Dương, TX. Hương Thủy) và Trương Trọng Long (SN 1991, trú tại phường Đạt Hiếu, TX. Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Lừa đảo chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu ghép thận
Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn rất tinh vi.

Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

Ngày 7/11, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, hiện có một số đối tượng mạo danh cơ quan thuế gửi giấy mời người nộp thuế (NNT) làm việc, kiểm tra, thanh tra… nhằm mục đích đánh cắp thông tin doanh nghiệp (DN), thông tin cá nhân phục vụ mục đích xấu.

Cảnh báo giả mạo cơ quan thuế để lừa đảo

TIN MỚI

Return to top