Công an huyện Nam Đông tiến hành tiêu hủy 77 khẩu súng tự chế vừa thu hồi
Nam Đông là huyện miền núi, có hơn 26 nghìn dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 43% (chủ yếu là dân tộc Cơ Tu). Do tập tục và đặc điểm môi trường sinh sống, nhiều người dân có thói quen lưu giữ và sử dụng súng săn, cung, nỏ, dao, kiếm... để tự bảo vệ và săn bắn, mưu sinh. Số lượng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi trên địa bàn phần lớn là do người dân tự chế. Công tác quản lý, thu hồi của các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Anh Ra Pát Viên ở thôn 2, xã Thượng Long thấy sự tiện ích của súng bắn bi sử dụng hơi cồn nên tìm mua các dụng cụ chế tạo 2 khẩu súng để đi săn mà không lường hết sự hiểm nguy của loại súng tự chế này. Những ngày đầu tháng 8/2017, được sự vận động của chính quyền địa phương và Công an huyện, anh tự nguyện mang 2 khẩu súng này đến trụ sở UBND xã bàn giao. Theo ông Nguyễn Văn Rích, Trưởng Công an xã Thượng Long cho biết, qua rà soát, nhận thấy trên địa bàn có nhiều người chế tạo súng bắn bi để đi săn nên Công an xã tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức thành lập đoàn công tác về tận nhà vận động người dân giao nộp. Trong thời gian ngắn, xã đã thu hồi 21 khẩu súng tự chế, là địa phương thu hồi nhiều vũ khí nhất trên địa bàn huyện. Với cách làm trên, xã Thượng Nhật cũng đã thu giữ 15 khẩu súng tự chế…
Trung tá Phan Gia Năm, Phó Trưởng Công an huyện Nam Đông cho biết, để tăng cường công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Công an huyện đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân dân tộc thiểu số về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, cũng như những tác hại của việc tàng trữ vũ khí. Với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát từng đối tượng”, Công an huyện đã tăng cường xuống cơ sở làm tốt công tác rà soát, lập danh sách các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đối tượng có biểu hiện nghi vấn tàng trữ vũ khí trái phép để kiểm tra, phân loại và kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của các tầng lớp nhân dân được nâng lên, người dân đã tự giác giao nộp nhiều súng tự chế cho các cấp chính quyền và lực lượng công an, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
“Thời gian tới, Công an huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng để động viên, khuyến khích các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm”- Trung tá Phan Gia Năm chia sẻ.
Thái Bình