ClockThứ Tư, 06/07/2022 14:19

Tăng minh bạch, công khai để chống tham nhũng, tiêu cực

TTH - Tham nhũng, tiêu cực có thể bị đẩy lùi bằng cách làm hẹp bớt những “mảnh đất tốt” của độc quyền, bớt đi những cơ hội của độc đoán, quan liêu, lãng phí bằng việc tăng cường minh bạch, công khai, dân chủ.

Ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực - Quyết tâm, hành động mạnh mẽChống tham nhũng gắn với vai trò lãnh đạoPhát hiện sớm; xử lý nghiêm các vụ việc, án tham nhũng

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Trần Đắc Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh (liên quan đến vụ án Việt Á). Ảnh: TTXVN

Để xây dựng một chính phủ hiệu lực, hiệu quả 

Những nơi xảy ra “quốc nạn” tham nhũng phổ biến nhất là những khu vực có những hoạt động độc quyền: hệ thống thu thuế, hải quan, các cơ quan có quyền ban hành các giấy phép xây dựng, các quyết định quy hoạch đất đai, các cơ quan (được) cấp các giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác, các đơn đặt hàng của Nhà nước cho các dịch vụ công cộng, các cơ quan phê duyệt các dự án xây dựng...

Ở cấp độ nhẹ hơn, nhưng phổ biến hơn và lại tác động trực tiếp gây ra nhiều bức xúc hơn trong xã hội là những công chức ở các cấp chính quyền có thói quen nhũng nhiễu, gây khó dễ, “hành” dân để đòi những khoản “bồi dưỡng riêng” cho những dịch vụ của Nhà nước mà họ được ủy quyền như: chứng nhận bằng các con dấu, cấp các loại giấy phép...

Mặc dù có những ý kiến cho rằng, tham nhũng có thể “bôi trơn cho những bánh xe của một nền kinh tế chuyển động chậm” hay thuyết “đồng tiền đi trước” biện giải cho tham nhũng, nhưng cần khẳng định rằng: Tham nhũng phá hỏng đời sống xã hội. Nếu tham nhũng lan tràn đến mức nó khiến dư luận cho rằng có thể “mua” quyết định từ các quan chức, làm cho các quy định về luật pháp mất đi tính hợp pháp vốn có thì tình hình xã hội đã đi sát đến bờ vực của sự rối loạn.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tự nó không phải là mục đích. Nói đúng hơn, nó là công cụ để đạt đến mục tiêu lớn hơn, đó là một chính phủ hiệu lực, công bằng và hiệu quả hơn. Một chính phủ hoạt động tốt, sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế mạnh hơn và thực hiện các chức năng xã hội tốt hơn.

Mặc dù chính tham nhũng gây ra nhiều chi phí tốn kém về kinh tế cho xã hội nói chung, nhưng thực chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng không chỉ nằm ở mặt kinh tế mà mang tính chất của cuộc đấu tranh chính trị nhằm bảo vệ Nhà nước pháp quyền. Chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và những tiêu cực khác, làm trong sạch và tăng hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị và các cơ quan kinh tế là cuộc chiến cam go để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ mà Đảng đã đặt nhiều quyết tâm và quyết liệt tiến hành với sự ủng hộ của Nhân dân. Mở rộng dân chủ, tăng tính công khai, minh bạch trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được coi là phương cách mấu chốt.

Tăng tính công khai, minh bạch 

Tham nhũng không phải là một hiện tượng xa lạ và mới. Nó gắn liền với quyền lực, là một loại “vi rút” của quyền lực gây ra những “căn bệnh” trầm trọng cho hệ thống. Bất kỳ quyền lực nào về bản chất cũng chứa đựng mầm mống nảy sinh tham nhũng.

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng do vậy phải thông qua việc không ngừng giảm bớt những độc quyền, hạn chế sử dụng quyền hành một cách tùy tiện và nhất là phải thiết lập sự công khai hóa ngày càng cao trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các lĩnh vực hoạt động “béo bở” nhất có thể làm tham nhũng nảy sinh phải được nhận diện và các thủ tục liên quan phải được kiểm soát. Tất cả các giấy phép và sự cho phép nhận được qua con đường tham nhũng, hối lộ phải được vô hiệu hóa. Tất cả những điều đó chỉ có thể thực hiện qua cách tăng tính công khai hóa trong các khâu công việc và các quyết định (chỉ trừ những điều thuộc về bí mật của Nhà nước có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia).

Cần công khai cho Nhân dân những chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước, những quyền lợi Nhân dân được hưởng có liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của các công chức, các cơ quan và cả những điều đảng viên không được phép làm để Nhân dân có cơ sở đối chiếu trong quá trình giám sát và thụ hưởng. Đồng thời, cần tạo những điều kiện cần thiết và thuận lợi để Nhân dân thực hiện quyền giám sát của mình - trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức đoàn thể và các phương tiện thông tin đại chúng. Những điều này phải nhìn thấy được hiệu quả thực tế, tránh rơi vào hình thức, qua loa.

Các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng như một cơ quan giám sát độc lập các hoạt động của các cơ quan và những người nắm giữ các chức vụ. Đây được coi là một lực cản khá lớn với các “bệnh tật” có thể phát sinh trong hệ thống.

Các nhà hoạt động chính trị và các công chức có thể dễ bị cám dỗ hơn vào việc lợi dụng quyền lực để chiếm đoạt lợi ích chung cho riêng mình (có thể cùng cả nhóm) nếu như họ tin rằng những hành vi sai trái của họ khó có thể bị bóc trần trước công chúng và bị dư luận lên án. Tất nhiên “giới hạn hợp lý” để bảo vệ những lợi ích quốc gia và quyền tự do riêng tư của các cá nhân, đồng thời với tự do hóa các phương tiện thông tin đại chúng là điều cần thiết và phải được hoạch định bằng một tư duy sáng suốt.

Tăng thêm tính dân chủ trong xã hội, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Nhân dân để chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của chính quyền cơ sở và các cơ quan công quyền khác, các đơn vị kinh tế và hệ thống phúc lợi xã hội đang là điều đáp ứng yêu cầu của xã hội và Nhân dân.

Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống bạo lực học đường: Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

Bạo lực học đường thực sự luôn rình rập, hiện hữu ở bất cứ ngôi trường nào. Ngoài những học sinh cá biệt, có xu hướng bạo lực thì nhiều hành vi bạo lực xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của học sinh. Các con chỉ nghĩ đơn giản “dọa cho bạn sợ” chứ không lường được những hậu quả, tổn thương tâm lý mà mình gây ra cho bạn học...

Phòng, chống bạo lực học đường Nhà trường và gia đình cần theo sát con trẻ

TIN MỚI

Return to top