Theo dự thảo Luật Đấu giá tài sản được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2, tài sản đấu giá bao gồm tài sản là nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật đấu giá tài sản sáng nay (24/10), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, liên quan đến dự luật này có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản (AMC) khác.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản (Ảnh: Quochoi.vn)
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng trước đây đã được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia.
Ngày 18/5/2013, VAMC ra đời theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ với một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế.
VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó. Theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân...
Tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Trong khi đó, các AMC do các tổ chức tín dụng thành lập. Quyền và nghĩa vụ của các AMC thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn mua bán nợ Việt Nam (DATC) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2004 với mục tiêu góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất 2 phương án để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Ngoài phương án 1 đã được nêu tại Dự thảo Luật đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đưa ra phương án không quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại dự án luật này.
Điều này nhằm đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của luật này. Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Theo Dân trí