ClockThứ Năm, 10/08/2017 12:46

“Vẽ” tài sản để lừa đảo

TTH - LTS: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nạn nhân đa số là những người nhẹ dạ, cả tin vào vẻ bên ngoài cộng với những thủ đoạn rất tinh vi, “chuyên nghiệp” của kẻ lừa đảo. Trong khuôn khổ chuyên đề này, chúng tôi nêu một số vụ việc cùng lời khuyến cáo của cơ quan chức năng, để người dân cảnh giác, tránh bị “tiền mất tật mang”.

Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án do tội phạm giả người nước ngoài gây ra. Thủ đoạn phổ biến của loại tội phạm này là “bẫy tình”, bằng cách lợi dụng mạng xã hội để vẽ tài sản ảo, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những phụ nữ nhẹ dạ.

Một giấy vận đơn của đối tượng đăng trên wesite với các thông số trùng khớp nhằm đánh lừa nạn nhân ​

Tưởng nhận quà 3,5 tỷ đồng, không ngờ mất 1,3 tỷ

Bà Tôn Nữ Thị Th. (50 tuổi, trú phường Hương Sơ, TP. Huế) vừa có đơn trình báo cơ quan công an nhờ làm sáng tỏ vụ lừa đảo với nội dung: Bà bị một người bạn người nước ngoài mới quen lừa đảo chiếm đoạt 1,3 tỷ đồng.

 Theo bà Th., thông qua mạng facebook, bà làm quen một người có tên Alfredo Williams, là một quân nhân người Mỹ. Hai người có thời gian trao đổi thân thiết trên mạng. Người này giới thiệu mình đang tham gia ở chiến trường Afghanistan và đang có một khoản tiền trị giá khoảng 1 triệu USD nhưng không còn người thân. Đồng thời, muốn sử dụng số tiền đó để đầu tư vào Việt Nam. Alfredo Williams muốn bà Th. làm đại diện cho mình để giữ số tài khoản trên, nếu có chuyện không may xảy ra đối với mình thì Alfredo Williams nhờ bà Th. sử dụng số tiền trên làm từ thiện. Trước mắt, Alfredo Williams gửi tặng bà 150.000USD bằng hình thức gửi kèm kiện hàng quà tặng vì đất nước Afghanistan đang chiến tranh nên không chuyển khoản được.   

Sau đó, bà Th. nhận được điện thoại của người phụ nữ giới thiệu là nhân viên hải quan. Người phụ nữ này thông báo với bà Th. kiện quà biếu gửi cho bà đã từ nước ngoài về đến Việt Nam và yêu cầu bà phải đóng các khoản phí để làm thủ tục nhận kiện quà. Theo sự hướng dẫn của người phụ nữ này, bà Th. đã 20 lần đến ngân hàng để chuyển tổng cộng khoảng 1,3 tỷ đồng vào các tài khoản ngân hàng khác nhau mà người phụ nữ trên chỉ định. Xong việc, bà Th. liên lạc lại với người bạn Alfredo Williams thì không được. Số tiền 1,3 tỷ đồng nói trên được bà Th. tích cóp trong nhiều năm và vay nóng của nhiều người. Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh điều tra.  

Theo Đại úy Hoàng Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Công nghệ cao Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh, đến nay, đơn vị đã nhận được đơn tố cáo của 4 nạn nhân là phụ nữ ở Thừa Thiên Huế với phương thức, thủ đoạn tương tự. Ngoài trường hợp bà Th. là người bị lừa nhiều nhất thì những người còn lại bị lừa từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể một số người bị lừa khoản tiền nhỏ chưa trình báo cơ quan công an.

Hết sức cảnh giác

Thượng tá Mai Văn Toàn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, các đối tượng lừa đảo thường đóng giả người nước ngoài có nhiều tiền và địa vị trong xã hội, đưa các hình ảnh giới thiệu là đang sinh sống tại nước ngoài rồi ngỏ ý làm quen, kết bạn với nhiều phụ nữ Việt Nam trên các trang mạng xã hội. Tiếp theo, đối tượng hứa hẹn chuyện tình cảm và ngỏ ý gửi tặng quà có giá trị lớn để mua nhà tại Việt Nam, làm từ thiện hoặc đưa ra nhiều lý do như gia đình người thân bị nạn cần giúp đỡ, ngỏ ý vay mượn nạn nhân tiền để đầu tư kinh doanh. Khi bị hại đã “cắn câu”, đồng bọn khác đóng giả nhân viên giao nhận, hải quan, thuế vụ... thông báo thùng quà biếu bị tạm giữ vì trong đó có nhiều ngoại tệ, hàng hóa có giá trị và yêu cầu phải nộp thuế, lệ phí để nhận hàng hoặc lo lót. Sau đó, các đối tượng giả danh này cung cấp cho nạn nhân số tài khoản ngân hàng để nộp tiền và chúng rút ra để chiếm đoạt.

Đáng chú ý, để tạo lòng tin, chúng lập nhiều trang website giả công ty vận chuyển, nhắn tin qua messenger, gửi đường link, mật khẩu đăng nhập trang web để bị hại truy cập; mặt khác, tạo giấy vận đơn giả đăng trên trang web công ty vận chuyển. Nội dung của vận đơn giả về gói quà, tên, địa chỉ, số điện thoại trùng khớp với tên người trên facebook giả mạo và đúng các thông tin của người nhận. Công ty này còn cho biết ngày bưu phẩm khởi hành, thời điểm đến và bưu phẩm đang ở đâu khiến bị hại không hề hồ nghi. Nếu bị hại nghi ngờ, muốn biết tình trạng gói quà thì vào trang web vận chuyển của họ để xem vận đơn. Tuy nhiên, đối tượng ma mãnh giả vận đơn đăng trên trang web nội dung bưu phẩm đang bị hải quan nước ngoài tạm giữ. Thế là bị hại tin tưởng chuyển phí vào tài khoản để được nhận quà. Sở dĩ có những người tin tưởng chuyển hàng chục lần với tiền tỷ là do tâm lý “phóng lao phải theo lao”, nhằm vớt vát lại số tiền mình đã bị mất.

Thượng tá Mai Văn Toàn khuyến cáo, người dân không nên tin tưởng và liên lạc, giao tiếp với các mối làm quen, kết bạn với người nước ngoài hoặc người lạ qua mạng xã hội; không trao đổi hoặc làm theo yêu cầu của các đối tượng giả danh nhân viên giao nhận, hải quan, thuế; tuyệt đối không chuyển, nộp tiền cho các đối tượng trên dưới bất cứ hình thức nào, nếu trót lỡ đã chuyển tiền, phải báo ngân hàng phong tỏa ngay. “Những bị hại đã nộp tiền vào các tài khoản trên hãy đến cơ quan cảnh sát điều tra trình báo để được xem xét giải quyết theo pháp luật. Đồng thời, qua đó, mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước những trường hợp chiêu dụ tương tự và hãy báo ngay cho công an”- Thượng tá Mai Văn Toàn khuyên.

Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm quen, yêu đương trên mạng: Coi chừng tiền mất, tình tiêu

Phụ nữ độc thân, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên, hãy tỉnh táo, lý trí trong làm quen, yêu đương trên “cõi mạng”, tránh bị “sập bẫy”, thực chất chỉ là cái bánh vẽ mà kẻ lừa đảo đưa ra dụ dỗ. Tiền mất mà tình cũng chẳng có.

Làm quen, yêu đương trên mạng Coi chừng tiền mất, tình tiêu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top