ClockThứ Sáu, 14/04/2023 15:29

Xét xử đường dây làm giả giấy tờ, con dấu quy mô lớn

TTH.VN - Ngày 14/4, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức” đối với 7 bị cáo đã có hành vi làm giả, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả. Đây là một đường dây làm giả giấy tờ có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội.

Khen thưởng Ban Chuyên án phá thành công đường dây làm giả con dấu, tài liệu quy mô lớnPhá đường dây làm giả các loại giấy tờ quy mô toàn quốc

Đường dây này do Phạm Tấn Huy (SN 1984, trú tại phường 4, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu và 6 đồng phạm gồm: Võ Thành Long (SN 1968), Nguyễn Công Chức (SN 1988) cùng trú tại tỉnh Quảng Ngãi; Nguyễn Văn Tuân (SN 1994), Lê Văn Chung (SN 1993), Trần Văn Minh (SN 1984), Hồ Văn Thuận (SN 1993, cùng trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế) thực hiện. Dù biết các hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng vì hám lợi, các bị cáo đã câu kết, hình thành đường dây chuyên làm giả, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả mạo.

Bằng tốt nghiệp đại học có giá 1-3 triệu đồng

leftcenterrightdel
Cơ quan công an thu giữ lượng lớn tang vật liên quan đến vụ án  

Theo cáo trạng, bắt được nhu cầu nhiều người cần bằng cấp, giấy tờ giả để đi làm, đi du học..., trong khoảng thời gian từ tháng 6-2020 đến 11-2021, Phạm Tấn Huy cùng các đồng phạm đã tổ chức đường dây làm giả bằng cấp quy mô lớn từ TP. Hồ Chí Minh tan tỏa tất cả các địa phương trên toàn quốc.

Tháng 6/2020, Huy tìm hiểu trên mạng internet cách làm giả các loại giấy tờ và đặt mua trên mạng các loại máy móc, thiết bị như: máy in màu, máy scan, máy photo, máy dập chữ, máy in thẻ nhựa, máy ép nhiệt, máy cắt và các vật liệu phục vụ cho việc làm giả.

Để thực hiện, Huy thuê nhà tại địa chỉ: Tầng 2, nhà 457/25 đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân để bố trí lắp đặt máy móc phục vụ vào việc phạm tội. 

Sau đó, Huy cùng với các đồng phạm đăng bài nhận làm giả, các loại giấy tờ con dấu, của các cơ quan, tổ chức lên mạng xã hội với giá công khai để các cá nhân có nhu cầu thì liên hệ.

Giá của các loại giấy tờ được nhóm rao bán như sau: Giấy phép lái xe, giấy đăng kiểm xe 1-1,5 triệu đồng; giấy chứng nhận, bảng điểm, chứng chỉ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; bằng tốt nghiệp cấp 3 giá 1-1,5 triệu đồng; bằng trung cấp 1-2 triệu đồng; bằng cao đẳng 1-2,5 triệu đồng; bằng đại học 1-3 triệu đồng…

Các giấy tờ giả khi làm xong, sẽ được gửi tới khách hàng thông quá công ty chuyển phát như: J&T, Viettel Post… Nhận hàng xong, khách hành sẽ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Với phương thức thủ đoạn như trên, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021, Phạm Tấn Huy cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi làm giả hàng ngàn giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo đơn đặt hàng của các cá nhân trên địa bàn toàn quốc.

Cơ quan điều tra xác nhận Huy là đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây  làm giả giấy tờ, tài liệu này, đồng thời trực tiếp làm giả 1.879 loại giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức để thu lợi bất chính 133 triệu đồng.

Võ Thành Long là người giúp Huy tuyển cộng tác viên và là người trực tiếp nhận thông tin khách hàng từ Tuân, Chung sau đó chuyển cho Huy làm giả 665 loại giấy tờ và là người trực tiếp nhận tiền công từ Tuận và Chung rồi chuyển phần tiền cho Huy như thỏa thuận. Long hưởng lợi số tiền hơn 130 triệu đồng nên phải chịu trách nhiệm thứ 2.

Nguyễn Công Chức là người có nhiệm vụ nhận các loại giấy tờ giả từ Huy gửi đến sau đó Chức kiểm tra, đổi chiếu và ra soát các thông tin khách hàng do Tuân và Chung gửi và giải quyết các trường hợp khách hàng không nhận, giấy tờ làm giả bị lỗi hoặc không liên lạc được với khách rồi chuyển cho khách hàng. Chức nhận và giao 665 loại giấy tờ cho khách hưởng lợi số tiền hơn 130 triệu đồng nên vai trò của Chức trong vụ án này giống với vai trò của Long.

Ngoài ra, Nguyễn Văn Tuân gián tiếp làm 412 loại giấy tờ, tài liệu giả, hưởng lợi hơn 82 triệu đồng; Lê Văn Chung gián tiếp làm 253 loại giấy tờ, tài liệu giả hưởng lợi 50 triệu đồng; Trần Văn Minh gián tiếp làm giả 317 giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, thu lợi bất chính 63 triệu đồng… nên hành vi trên của các bị can đã phạm vào tội: “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, quy định tại điểm a, c khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự.

Để bóc gỡ đường dây này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã dày công theo dõi, nghiên cứu kỹ phương thức, thủ đoạn giao dịch cũng như quá trình làm văn bằng, chứng chỉ giả của các bị cáo trên…

Gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội

leftcenterrightdel
Các bị cáo nghe tòa tuyên án  

Tại phiên toà, các bị cáo thành thật khai báo, ăn năn hối hận, xin được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm về với gia đình và xã hội. Hội đồng xét xử xét thấy hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thực hiện nhiều lần, có tổ chức, gây nhiều hệ lụy xấu cho xã hội, cần phải cách ly các bị cáo một thời gian để giáo dục, răn đe.

Sau khi nghị án, xem xét tài liệu hồ sơ vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 7 bị cáo tổng cộng 24 năm tù về tội “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”. Trong đó, bị cáo Phạm Tấn Huy 5 năm tù; Võ Thành Long, Nguyễn Công Chức cùng mức án 4 năm tù; Nguyễn Văn Tuân 3 năm tù; Lê Văn Chung, Trần Văn Minh cùng mức án 2 năm tù; Hồ Văn Thuận 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính.

Bài, ảnh: THÁI SƠN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không có bằng lái, sử dụng ma túy, điều khiển ô tô gây tai nạn làm 5 người chết, bị thương

Sau thời gian dài nghị án, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên án phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Phạm Văn Quang về tội “Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ” và “Cố ý gây thương tích”, Ngô Đức Thường (cùng SN 1994, cùng trú phường Phú Thượng, TP. Huế) về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Không có bằng lái, sử dụng ma túy, điều khiển ô tô gây tai nạn làm 5 người chết, bị thương
Return to top