Một xe tải vận chuyển gỗ lậu trên tuyến đường QL49A bị Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh bắt giữ
Nhiều vụ xuất phát từ địa phương khác
Khuya 4/6, lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện A Lưới sau khi nhận được thông tin từ Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Đakrông (Quảng Trị) về việc xe tải mang BKS 84C-06.017 vận chuyển lâm sản trái phép từ hướng Đakrông vào A Lưới nên đã tiến hành chốt chặn, bắt giữ. Lực lượng kiểm lâm thu giữ trên xe này 40 phách gỗ, có khối lượng hơn 3m3 gỗ trám hồng, phía tài xế không xuất trình được giấy tờ hợp lệ.
Thời gian qua, các lực lượng kiểm lâm, biên phòng tỉnh truy bắt nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện A Lưới. Lượng gỗ bị bắt giữ có thể xuất phát từ các địa phương khác, được vận chuyển đến huyện miền núi A Lưới bằng con đường trên để tập kết, chờ cơ hội theo đường Quốc lộ (QL) 49A về TP. Huế tiêu thụ.
Ông Trần Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới cho hay, nguồn gốc gỗ trong nhiều vụ vận chuyển trái phép trên tuyến đường QL49A về Huế bị lực lượng chức năng bắt giữ xuất phát từ Quảng Trị và nguồn thu gom trong dân ở huyện này.
Theo Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49), Công an tỉnh, từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã trực tiếp đấu tranh, phát hiện hơn 20 vụ việc vận chuyển trái phép gỗ trên tuyến đường này. PC49 Công an tỉnh đã giao cho lực lượng kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền và đã ra quyết định xử phạt 12 đối tượng với tổng số tiền trên 200 triệu đồng, tịch thu hơn 56m3 gỗ các loại. Ngoài ra, lực lượng này đã chuyển giao cho Công an thị xã Hương Trà 1 vụ cùng 1 đối tượng có dấu hiệu tội phạm để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự.
Trong khi đó, Đại tá Phan Văn Minh, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, từ năm 2018 đến nay, trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông trên tuyến QL49A, lực lượng này đã phát hiện, bắt giữ 4 vụ vận chuyển gỗ trái phép, thu giữ hơn 7,5m3 gỗ. Các vụ việc đã được bàn giao cho những lực lượng khác để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Ô tô khách gần hết "đời" được tháo ghế vận chuyển gỗ lậu
Cải hoán xe gần hết “đời”
Ông Đặng Văn Kiệm - Trưởng phòng Thanh tra - pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, tuyến QL49A có 3 đơn vị quản lý, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.
“Đầu năm 2020, chúng tôi đã ban hành kế hoạch ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản ở huyện A Lưới và trên tuyến QL49A. Chúng tôi đã triển khai nhiều chốt chặn, phát hiện và xử lý 4 vụ. Vì vậy, tình trạng vận chuyển gỗ trái phép trên tuyến đường này không nóng như thời gian trước. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động tăng cường xử lý”, ông Kiệm cho biết.
Theo ông Kiệm, trước đây các đối tượng vận chuyển đều là người địa phương, nhưng nay có người ở Quảng Bình, Quảng Trị. Về phương tiện, lúc trước chủ yếu là xe chính chủ, còn giá trị cao, nhưng giờ thì các đối tượng sử dụng các loại xe ben, xe chở khách sắp hết hạn sử dụng, quá đăng kiểm; một số dùng xe bán tải để giấu gỗ phía sau.
“Khi chở gỗ, chúng chạy với tốc độ cao vào ban đêm và sử dụng cả thủ đoạn “xe trước xe sau” để chặn đường truy đuổi, nếu không sử dụng ôtô truy đuổi thì xem như thất bại”- ông Kiệm nói thêm.
Hầu hết số lượng gỗ lậu vận chuyển trên ô tô khách (đã tháo ghế) đều đi dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới để về xuôi
Trên tuyến đường QL49A đoạn qua xã Bình Thành (Hương Trà) dù có chốt barie kiểm soát lâm sản của Hạt Kiểm lâm Hương Trà, tuy nhiên theo ông Kiệm thì barie ở đây chỉ được phép đóng xuống khi có thông tin báo để chặn bắt, phối hợp bắt giữ. Còn lúc bình thường thì phải mở để đảm bảo lưu thông nên không thể kiểm soát được việc chở gỗ lậu.
Trong số nhiều phương tiện tang vật vận chuyển gỗ lậu bị bắt giữ có khá nhiều xe ôtô 16 chỗ như xe BKS 53L- 8876, 75B 0049, 75B-013.61, 75B-017.60... được sử dụng. Ông Lê Nhân Đức nói rằng các xe này được các đối tượng này tháo bỏ các hàng ghế phía sau nhằm tạo khoảng trống cất giấu gỗ. Lợi dụng ban đêm, các đối tượng này nhanh chóng tấp vào các đầu mối thu gom gỗ để bốc nhanh lên xe chạy về xuôi với tốc độ cao.
Theo ông Lê Văn Thiện, Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và chữa cháy rừng số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các xe mà những đối tượng sử dụng để vận chuyển gỗ đa số gần hết “đời” nên giá rất rẻ, chỉ cần vài chục triệu là có thể ra bãi phế liệu mua về. Vì vậy, nhiều vụ việc khi bị truy đuổi thì đối tượng bỏ chạy vào rừng, để lại xe và lực lượng chức năng rất vất vả truy nguồn gốc xe vì đã bán qua nhiều chủ.
Ông Đặng Văn Kiệm cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra với lực lượng của 3 đơn vị gồm Hạt Kiểm lâm A Lưới, Hương Trà và Đội Kiểm lâm cơ động số 1... Thường xuyên trao đổi thông tin các đối tượng vi phạm, các phương tiện có biểu hiện nghi vấn vận chuyển trái phép lâm sản, thông tin các chiêu trò ngăn cản, các phương thức hoạt động của các đối tượng vi phạm để các đơn vị cùng nắm rõ và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả hơn. Đồng thời xử lý nghiêm minh các vụ việc, đối tượng vi phạm theo quy định để răn đe
Bài, ảnh: Hà Nguyên