ClockThứ Ba, 13/09/2016 14:06
XỬ PHẠT VI PHẠM NỒNG ĐỘ CỒN KHI ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN:

Xử phạt nặng, tai nạn giao thông giảm

TTH - Những ngày đầu tháng 9/2016, các đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh và Công an TP. Huế đồng loạt ra quân đợt cao điểm tuần tra, xử lí các trường hợp uống rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Theo chân một số tổ công tác, chúng tôi ghi nhận được những kết quả tích cực.

CSGT kiểm tra người có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn

Biết sợ

Gần 20h tối 5/9, phóng viên có mặt tại nút giao thông Tố Hữu- Hà Huy Tập (TP.. Huế), chốt xử lý vi phạm nồng độ cồn lưu động với gần 10 cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT Công an tỉnh phối hợp với Công an TP.. Huế, cùng lực lượng tăng cường của Cục CSGT đường bộ - đường sắt làm nhiệm vụ. Trời tối, các đối tượng “khả nghi” được CSGT hướng dẫn vào khu vực kiểm tra. Gần chục người lần lượt test nhanh, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào “dính” nồng độ cồn. Khi đồng hồ điểm 21h, tổ công tác phát hiện 2 người đang đi xe máy loạng choạng liền mời vào kiểm tra, với nồng độ cồn 0,336miligam/1 lít khí thở. Sau khi năn nỉ, “gọi điện cho người thân” bất thành, ông Trương Đình Ph. (42 tuổi, trú Phú Mậu, Phú Vang) người điều khiển xe máy BKS 75… cùng người bạn ngồi phía sau đi bộ về sau khi ký vào biên bản vi phạm. “Anh em tui làm nghề thợ xây, cũng nghe nói mức phạt bữa ni rất nặng nên không dám uống. Nhưng chiều nay công trình xong, chủ “rửa bay” nên anh em mỗi người có uống mấy chai bia, ai dè tiền phạt hơn cả triệu bạc, đi tong nhiều ngày làm rồi”, ông Ph. méo mặt.

Một lát sau, một nam thanh niên sau khi thổi vào máy đo nồng độ, thấy CSGT dắt xe, yêu cầu vào lập biên bản liền rút điện thoại gọi cầu cứu người thân. Cầu cứu bất thành, nam thanh niên bước đến ngồi xuống ghế và ký vào biên bản vi phạm. Ông Trần Văn Thạnh, một cán bộ hưu trí ở phương Xuân Phú cho biết, chiều tối nào cũng ra vỉa hè tập thể dục và thấy CSGT thi thoảng lập chốt xử lý ở đây. Số người vi phạm có vẻ ít hơn mấy hôm trước khi CSGT tăng cường kiểm tra. Như thế sẽ giảm đi các vụ TNGT đau xót do bia rượu. “Thông tin tài xế ô tô uống mấy cốc bia bị phạt 17 triệu đồng, rồi nhiều người đi xe máy cũng bị phạt nặng và giữ xe cứ truyền tai nhau nên nhiều người biết sợ rồi”, ông Thạnh nhận định.

Hơn 3 giờ đồng hồ “mục sở thị” tại 2 chốt xử lý nồng độ cồn, chúng tôi nhận thấy tất cả người điều khiển phương tiện đều chấp hành kiểm tra nồng độ cồn.

Dần hình thành văn hóa giao thông

Trung tá Nguyễn Hoàng Vũ, Đội trưởng Đội TTKS số 1 cho biết, khi làm nhiệm vụ, có nhiều ông xỉn “quắc cần câu”, thấy công an thổi còi dừng xe liền đóng luôn cửa xe cố thủ. Trường hợp khác, khi bị yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, tài xế không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ, CSGT phải kiên trì nhắc nhở và hướng dẫn nhiều lần mới chịu thực hiện đúng. Có người còn tìm cách “câu giờ” và gọi điện thoại cho người thân. Còn chuyện say xỉn, chửi bới, thách thức công an khi bị xử phạt hoặc giữ xe là chuyện thường. “Bởi vậy, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn rất mất thời gian, có khi chỉ một trường hợp mà mất cả tiếng đồng hồ”, trung tá Nguyễn Hoàng Vũ nói.

Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh cho hay, hiện lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhất là các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn… nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật ATGT, giảm thiểu TNGT. Bên cạnh đó, CSGT sẽ tăng cường phối hợp cùng Ban ATGT tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết những quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn, cũng như những tác hại của rượu, bia với sức khỏe và ATGT.

Ông Trần Bá Trung, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh chia sẻ, việc thường xuyên kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện uống rượu bia đã góp phần tích cực trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Qua đó, TNGT giảm 28 vụ, giảm 7 người chết và 14 người bị thương so với 8 tháng cùng kỳ năm 2015. “Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến về những tác hại, hậu quả của việc say rượu, bia cũng như các mức xử phạt về vi phạm nồng độ cồn khi lái xe là rất cần thiết. Khi đã biết mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn là rất cao, người điều khiển phương tiện sẽ phải cân nhắc giữa việc uống hay không trước khi ra đường, dần hình thành văn hóa giao thông ở mỗi người”- ông Trần Bá Trung khẳng định.

Công tác kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn được CSGT toàn tỉnh triển khai thường xuyên. 8 tháng đầu năm 2016, CSGT tỉnh phát hiện, xử lý 2.511 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (2.440 mô tô, 71 ô tô). Riêng 20 ngày đầu đợt cao điểm từ 15/8-5/9, CSGT đã phát hiện 224 trường hợp vi phạm (193 xe máy, 31 ô tô). Trong đó, trường hợp bị phạt cao nhất đối với ô tô 17 triệu đồng; trường hợp người điều khiển xe máy bị phạt cao nhất là 7 triệu đồng.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày 15/11/2024, quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (sau đây gọi tắt là Thông tư 73/2024/TT-BCA).

Quy định mới về trình tự xử lý phạt nguội vi phạm giao thông
Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông

Trên nhiều tuyến đường của thành phố Huế như Bà Triệu, Trịnh Công Sơn... tình trạng các nhân viên quán nhậu tràn ra đường để chặn đầu xe, chèo kéo khách xảy ra thường xuyên, gây mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tràn ra đường vẫy khách gây mất an toàn giao thông
Return to top