ClockThứ Ba, 26/11/2024 13:42

Phát huy hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử

TTH - Quá trình tổ chức thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) đã phát sinh nhiều hạn chế, khó khăn. Yêu cầu đặt ra là cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả giám sát của các cơ quan dân cử.

Quốc hội thảo luận ở tổ về các dự án Luật được trình ở nghị trường

 Đại biểu Hoàng Đăng Khoa chất vấn các vấn đề liên quan đến giáo dục tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII

Dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được Quốc hội ban hành ngày 20/11/2015. Đây là cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.

Trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dự thảo luật này lần đầu được trình, thảo luận, cho ý kiến. Trước khi trình Quốc hội, dự thảo luật này cũng lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan tại các địa phương.

Theo bà Hồ Nhật Tân, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, trong lĩnh vực giám sát, tổ đại biểu thực hiện hai nhóm nhiệm vụ. Thứ nhất, giám sát theo sự phân công của HĐND hoặc Thường trực HĐND. Thứ hai, tổ chức để đại biểu HĐND thực hiện hoạt động giám sát. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn thiếu những quy định cụ thể về các trình tự để tổ đại biểu triển khai giám sát, dẫn đến các địa phương phải tự nghiên cứu, vận dụng cách thức tiến hành giám sát nên không có sự thống nhất.

 Đại biểu Hoàng Trọng Bửu chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa VIII

Từ thực tiễn triển khai hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND, bà Tân nhìn nhận, luật hiện nay chỉ quy định nhiệm vụ của tổ trưởng và các thành viên, còn thiếu quy định liên quan đến bộ phận tham mưu, giúp việc cho tổ đại biểu để triển khai giám sát. “Trong điều kiện tất cả các đại biểu HĐND tham gia hoạt động ở tổ đều kiêm nhiệm, rất cần có một chuyên viên để tham mưu, giúp cho tổ trong hoạt động giám sát”, bà Tân nhấn mạnh.

Bà Tân mong muốn Quốc hội nghiên cứu luật hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát của HĐND và các cơ quan của HĐND.

Để nâng cao chất lượng giám sát của cơ quan dân cử, từ góc nhìn của hoạt động HĐND cấp cơ sở, ông Nguyễn Tân, Phó Chủ tịch HĐND huyện A Lưới cho rằng, dự thảo luật lần này mới chỉ mang tính sửa đổi, bổ sung về mặt kỹ thuật mà chưa tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật.

“Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng thời Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của cơ quan dân cử. Quốc hội cũng cần bổ sung toàn diện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trên cơ sở tích hợp toàn bộ các quy định về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan dân cử trong thực hiện hoạt động giám sát”, ông Tân nêu quan điểm.

Ông Tân cũng dẫn chứng, trong giám sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp trên địa bàn, đại biểu HĐND huyện không thể thực hiện chất vấn đối với Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện vì không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 5 của luật. Ngoài ra, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định Thường trực HĐND có thẩm quyền giám sát hoạt động Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, nhưng chỉ được quyền yêu cầu giải trình đối với Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân mà không quy định đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp là chưa phù hợp và không thống nhất.

Từ đó, ông Tân mong muốn bổ sung đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND đối với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, nhằm bảo đảm giám sát toàn diện đối với hoạt động cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.

“Tôi cũng mong Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật theo hướng giảm bớt các thủ tục hành chính quy định trong hoạt động giám sát; nên quy về một chủ thể quyết định chương trình giám sát hàng năm là Quốc hội và HĐND; các chủ thể khác tổ chức thực hiện nghị quyết của Quốc hội và HĐND bằng các kế hoạch để thực hiện và báo cáo kết quả giám sát cho Quốc hội và HĐND tại các kỳ họp thường lệ của Quốc hội và HĐND”, ông Tân nói.

Ngày 20/11, trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định mới, hướng đến việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phân tích và nêu rõ quan điểm của Ủy ban Pháp luật đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau; đặc biệt, về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát…

Dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND gồm 3 điều,  bám sát vào 5 chính sách đã trình Quốc hội trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án luật. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới 8 điều và bãi bỏ 1 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan…


Bài, ảnh: LÊ THỌ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin, cảnh báo thiên tai đến người dân bằng nhiều biện pháp, hình thức khác nhau. Trong đó, ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát và Điều hành đô thị thông minh (IOC) và các nền tảng mạng xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó kịp thời.

Hiệu quả từ cảnh báo, phòng chống thiên tai qua ứng dụng Hue-S
Return to top