|
Chị Thành (bên phải) đến nhà dân để tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình |
Dù đã hơn 10 năm tham gia làm nhân viên thu bảo hiểm, song đến giờ “máu nghề” trong người chị Võ Cẩm Thành vẫn như những ngày đầu vào nghề, vẫn đam mê và yêu thích công việc tuyên truyền, vận động người lao động tự do tham gia các loại hình bảo hiểm. Bởi theo chị, đây không chỉ đơn giản là công việc mang lại nguồn thu nhập cho bản thân, mà ý nghĩa hơn vì có thể mang lại niềm vui, sự an yên với nhiều người. Từ thích đến mê, chị Thành không ngần ngại “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trên địa bàn mình phụ trách để tích cực tuyên truyền, đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến với từng hộ dân.
Chị Thành chia sẻ, ngoài công việc ở xã, trước đây chị chỉ tham gia phụ trách thu BHYT hộ gia đình và chưa hề nghĩ sẽ có một ngày trở thành tuyên truyền viên BHXH tự nguyện. Nhưng rồi, từ những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ sau gần 3 tháng đảm nhiệm công việc mới, chị đã thực sự yêu thích công việc và trở thành chiếc cầu nối, góp phần chuyển tải chính sách BHXH đến với người dân, vận động được nhiều người dân tham gia BHXH tự nguyện, với mong muốn sau này họ cũng có lương hưu như cán bộ nhà nước.
Theo chị Thành, “kiên trì, tận tâm, trách nhiệm” là 3 yếu tố để thuyết phục những người lao động tự do vào mạng lưới an sinh. Để có được những “khách hàng tiềm năng”, nhân viên thu phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách; đồng thời, vừa gần gũi với người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các gia đình. Từ đó, tuyên truyền theo cách “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Cũng từ những lần đi thuyết phục này, bản thân chị có thể lựa chọn những người quan tâm đến chính sách để lập danh sách mời tham dự các hội nghị khách hàng, giúp họ nắm bắt, hiểu và tin tưởng vào chính sách của Nhà nước để tham gia.
Chia sẻ về công việc của mình, chị Thành cho biết, vận động một người dân tham gia BHXH tự nguyện đã khó, nhưng để duy trì việc tham gia thường xuyên, liên tục còn khó hơn gấp bội. Bởi, không phải như khu vực thành thị, đời sống người dân trên địa bàn xã Phú Xuân nói riêng và huyện Phú Vang nói chung còn nhiều khó khăn nên để vận động được một người dân tham gia, nhân viên thu phải đồng hành, theo suốt từ tháng này qua tháng khác, có người phải “bám” cả năm mới vui vẻ nhận lời.
“Từ khi có Nghị quyết số 10/2024 của HĐND tỉnh về hỗ trợ lực lượng an ninh cơ sở tham gia BHXH tự nguyện, tiếp đó là văn bản chỉ đạo của UBND huyện Phú Vang về việc triển khai cho đối tượng này, các địa phương đã vào cuộc ngay. Vì vậy, để thu hút người dân tham gia, ngoài thời gian làm việc ở xã, mình phải tranh thủ ngoài giờ để tuyên truyền với các hình thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng người để tư vấn, vận động, thuyết phục, giúp họ nhận thức rõ hơn về chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước”, chị Thành giải thích.
Tiếp xúc với chị Thành qua các hội nghị khách hàng hay theo chân chị đến tuyên truyền bảo hiểm ở các nhà dân mới thấy được sự tận tâm với công việc “tay trái” của chị. Do người dân địa phương đa phần làm nông nghiệp, thu nhập thấp nên công tác tuyên truyền, vận động cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong cách tuyên truyền, vận động, chị Thành luôn cố gắng diễn đạt sao cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ. Chính sự gần gũi, tận tình và khéo léo, linh hoạt trong cách tuyên truyền của mình, chỉ trong 2 tháng 7 và 8/2024, chị Thành đã phát triển được gần 100 người tham gia BHXH tự nguyện.