|
|
Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành bà đỡ cho nhiều phụ nữ |
Gần gũi với hội viên
Là một trong những hội viên thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách ủy thác qua kênh hội phụ nữ, chị Bùi Thị Loan, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ TK&VV) thôn Trạch Thượng 2, thị trấn Phong Điền hiểu hơn ai hết về sự đồng hành của nguồn vốn cũng như người cán bộ tổ trong hoạt động tín dụng chính sách.
Theo chị Loan, việc nắm bắt tình hình của bà con có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách. Bởi khi người dân gặp khó khăn không tìm được nguồn vốn để phát triển thì người cán bộ tổ chính là cầu nối giúp họ tiếp cận với nguồn vốn, cùng họ tháo gỡ các khó khăn. Đó cũng là lý do, tổ luôn chủ động trong công tác quản lý, bình xét kết nạp tổ viên vào tổ, bình xét cho vay cũng như đôn đốc tổ viên sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích.
Thông qua các buổi sinh hoạt tổ lồng ghép với sinh hoạt hội, các tổ viên thống nhất được quy ước hoạt động của tổ về việc nộp lãi, thực hành tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn. Các tổ viên luôn được ban quản lý tổ vận động tham gia các lớp tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật để sử dụng vốn vay có hiệu quả. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tổ viên và tình hình thực tế tại thôn nhằm phát hiện những vấn đề nảy sinh, những khó khăn để có biện pháp tháo gỡ kịp thời. Nhờ vậy thời gian qua, tổ chưa phát sinh nợ quá hạn, tỷ lệ thu lãi luôn đạt 100% số lãi phải thu, không có lãi tồn đọng.
Gắn kết trong hoạt động hội
Trong 20 năm qua, dư nợ nhận ủy thác của Hội LHPN huyện liên tục tăng cả về chất lượng và số lượng. Đến 31/3/2023, tổng dư nợ nhận ủy thác là 269,7 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 57,4% dư nợ ủy thác của NHCSXH huyện với 147 tổ TK&VV, 6.045 hộ vay còn dư nợ. |
Không thể phủ nhận việc cho vay vốn qua Tổ TK&VV đã tăng sự đoàn kết, tính nhân ái, tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Các Tổ TK&VV đã giúp các hộ nghèo hình thành thói quen tiết kiệm và tăng cường trách nhiệm trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phong Điền Trần Thị Lý chia sẻ, thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác là điều kiện để hội tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, hoạt động của hội thực chất và hiệu quả hơn, thu hút nhiều phụ nữ vào Hội. Từ đây, Hội cũng có thêm kinh phí hoạt động, có điều kiện để thực hiện tốt hơn việc lồng ghép các chương trình công tác của hội, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho chị em phụ nữ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Đồng thời, qua đó cũng giúp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ hội các cấp, phát huy được vai trò, nhiệm vụ của hội là trung tâm nòng cốt cho phong trào phụ nữ và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Từ thực tế hoạt động ủy thác cho vay, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho rằng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác ủy thác là hết sức quan trọng, nhất là mạng lưới các tổ trưởng Tổ TK&VV phải là những chị em có uy tín, nhiệt tình, đề cao tinh thần trách nhiệm; sâu sát nắm chắc hoàn cảnh và khả năng kinh tế của từng hộ vay vốn để có những phát hiện và hỗ trợ kịp thời trong quá trình vay vốn. Và để phụ nữ nghèo có ý thức trong việc sử dụng vốn vay và thực hiện tốt nghĩa vụ trả nợ, các cấp Hội phải tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cho từng hộ vay hiểu rõ tính ưu việt của nguồn vốn. Ngoài ra, việc phối hợp giữa hội với Ngân hàng chính sách xã hội huyện, chính quyền các cấp phải được duy trì để các thông tin, vấn đề phát sinh được xử lý, giải quyết kịp thời ngay cơ sở.