ClockThứ Hai, 21/06/2021 14:58

Đồng hành, giúp hội viên thoát nghèo

TTH - Rà soát từng đối tượng phụ nữ nghèo, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp… là cách Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh giúp hội viên thoát nghèo.

Hội LHPN tỉnh trao sinh kế phát triển kinh tế cho người dân Phú Vang

Vượt chỉ tiêu

Vươn lên thoát nghèo vào đầu năm nay, chị Hồ Thị Mừng, thôn Phú Lộc, xã Phong Chương (Phong Điền) thành thật: “Đây là kết quả nỗ lực của bản thân gia đình và sự đồng hành của các cấp hội phụ nữ”.

Chị cho biết, được Hội LHPN xã tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh phụ nữ và Chi hội Phụ nữ thôn Phú Lộc cho mượn tiền từ Quỹ tiết kiệm tại chỗ để xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Tiếp đó, khi được Trung ương Hội hỗ trợ 5 triệu đồng tạo sinh kế, chị mua thêm 100 con gà giống để tăng đàn. "Không phụ lòng của các cấp hội, tôi không ngại khó, ngại khổ, dành thời gian chăn nuôi thật tốt, nhờ vậy đã thoát nghèo" - chị Mừng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Linh Nhâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Chương thông tin, năm 2020 tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, song Hội LHPN xã đã giúp được 5 hội viên thoát nghèo, vượt chỉ tiêu so với hội cấp trên đề ra và cũng vượt so với các năm trước.

Khu vườn hàng trăm cây chuối và dứa đã cho thu nhập của chị Phạm Thị Với ở thôn A2, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông là kết quả của mô hình “Giúp nhau cải tạo vườn tạp” do Hội LHPN xã Hương Sơn triển khai thực hiện.

Chị Với cho biết, trước đây, khu vườn của chị tuy rộng nhưng không mang lại giá trị kinh tế. Cách đây vài năm, chị được Hội LHPN xã chọn để giúp cải tạo vườn tạp. Chị được hội hỗ trợ 1 tạ phân bón, tặng gần 200 cây giống là chuối và dứa, đồng thời được hội huy động hội viên ủng hộ ngày công phát quang cây tạp để trồng.

Hiện vườn cây ăn quả cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm, giúp gia đình chị Với vươn lên thoát nghèo.

Theo chị Trần Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn, mô hình “Giúp nhau cải tạo vườn tạp” được hội xây dựng để giúp hội viên nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Chị Với là 1 trong số 12 hộ được Hội LHPN xã giúp cải tạo vườn tạp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết, tạo động lực giúp hội viên thoát nghèo bền vững, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo mỗi cơ sở hội mỗi năm giúp đỡ ít nhất một hộ thoát nghèo theo chuẩn đa chiều và đưa vào chỉ tiêu thi đua của năm. Từ đó, mỗi cơ sở tùy vào tình hình riêng của đơn vị đã có những cách làm sáng tạo khác nhau. Năm 2020, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã giúp 166 hộ thoát nghèo, vượt 14 hộ so với chỉ tiêu đề ra.

Đồng hành, sử dụng vốn vay hiệu quả

Để có kết quả trên, Hội LHPN tỉnh kịp thời chỉ đạo các cấp hội cơ sở khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của hội viên, phụ nữ và nhu cầu của các đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp với điều kiện và khả năng của Hội. Hội đã sáng tạo và chủ động đẩy mạnh các hoạt động khai thác, huy động, quản lý nguồn vốn để hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ phát triển kinh tế thông qua các Chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nguồn viện trợ của các tổ chức Quốc tế, vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, xây dựng và duy trì mô hình tiết kiệm trong các chi, tổ, tạo nguồn vốn cho chị em vay không lãi…

Đến nay, các cấp Hội đã khai thác và quản lý 1.927 tỷ đồng cho gần 100.000 hộ phụ nữ vay phát triển sản xuất. Trong phong trào “giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, 100% tổ chức hội phụ nữ cơ sở tích cực hoạt động, hàng năm, có hàng nghìn chị em được hỗ trợ, giúp đỡ hàng chục nghìn ngày công, cây, con giống.

Các cấp hội chú trọng đồng hành hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ chăn nuôi, trồng trọt. Tổ chức cho cán bộ, hội viên phụ nữ tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở các mô hình kinh tế mới, cách làm hay, sáng tạo, tại các địa phương, các trung tâm giống cây trồng. Qua đó, hội viên có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, mang lại hiệu quả kinh tế.

Đến nay, các cấp hội trong toàn tỉnh thành lập được 4 hợp tác xã, 76 tổ liên kết hợp tác phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực, vừa khai thác, phát huy thế mạnh địa phương, vừa giúp nhau phát triển kinh tế.

Công tác tìm thị trường bao tiêu sản phẩm cho hội viên cũng được các cấp hội quan tâm. Hội LHPN TP. Huế, Hội LHPN huyện A Lưới, Phú Lộc đã thành lập cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho hội viên. Các đơn vị phụ nữ thị xã Hương Thủy, Nam Đông... ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu sản phẩm cho các tổ liên kết, hợp tác do hội viên mình làm chủ.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trạm chờ tiếp nước giúp giảm rác thải nhựa

Từ năm 2023 đến nay, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đã tài trợ tổng cộng 9 trạm nhà chờ và máy cấp nước uống miễn phí tại các địa điểm di sản và điểm du lịch, với kỳ vọng giảm rác thải nhựa từ hoạt động du lịch.

Trạm chờ tiếp nước giúp giảm rác thải nhựa
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Return to top