ClockThứ Sáu, 06/10/2023 12:07

Giúp bà con có thêm kiến thức về pháp luật và bình đẳng giới

TTH - Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng các tổ truyền thông cộng đồng (TTCĐ) ở huyện A Lưới đã xây dựng được các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng nội dung, đối tượng người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bình đẳng giới (BĐG), giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ (PN) và trẻ em (TE).

Gần 800 người tham gia Hội thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giớiPhát động hội thi tìm hiểu pháp luật về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu sốHướng dẫn thu thập thông tin về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ

 Các tổ truyền thông cộng đồng luôn cập nhật kiến thức, có những cách tuyên truyền phù hợp để bà con địa phương dễ tiếp thu, thực hiện

Phát huy vai trò của những người có uy tín

Tại một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) huyện A Lưới vẫn tồn tại tư tưởng trọng nam khinh nữ; cho rằng PN không cần đi học, không tham gia công tác xã hội; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình vẫn xảy ra… Điều này đã tác động tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của PN và TE các dân tộc cũng như quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Để giải quyết các vấn đề trên, Hội LHPN các cấp trên địa bàn huyện A Lưới tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp thành lập tổ TTCĐ.  Đây là một trong những nội dung của Dự án 8 về “Thực hiện BĐG và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với PN, TE". Các tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, nắm bắt và phản ánh những vấn đề khó khăn liên quan đến cuộc sống của PN, TE trên địa bàn; trong đó chú trọng phát huy vai trò của bí thư chi bộ thôn.

 Nghe tin trong thôn có hai thanh niên là H. T và H. A.R chưa đủ tuổi rục rịch chuẩn bị chuyện cưới xin, tổ TTCĐ thôn Đụt 1, xã Hồng Kim đã nhiều lần đến tận nhà tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình để các thanh niên hiểu những tác hại của việc tảo hôn. Sau những lần khuyên nhủ thấu tình đạt lý, hai em cũng vui vẻ dừng việc kết hôn lại, đợi lúc nào đủ tuổi đăng ký kết hôn mới tiến hành làm lễ cưới.

Chị Hồ Thị Hải, Bí thư Chi bộ thôn Đụt 1 cho biết: Hầu hết bà con trong thôn đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước. Nhưng vì kiến thức còn hạn chế nên nhiều trường hợp đã vô tình vi phạm, hoặc suýt nữa thì vi phạm luật. Để bà con được trang bị kiến thức về pháp luật, chúng tôi thường lồng ghép những buổi tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, sinh hoạt văn hóa… Những trường hợp đặc biệt xảy ra thì các tuyên truyền viên của tổ TTCĐ sẽ đến tận nhà tuyên truyền, giúp bà con tháo gỡ các vướng mắc.

Chị H.N.T ở thôn Pâr Ay, xã Hồng Kim thường xuyên bị chồng đánh đập chỉ vì chồng ghen tuông. Không những thế, chồng chị là một người nát rượu, không chịu đi làm, mọi gánh nặng kinh tế dồn lên vai chị.

“Không chỉ đến một vài lần, chúng tôi phải đi “mòn đường” chồng chị H.N.T mới dần thay đổi. Dùng “điểm yếu” là những đứa con, chúng tôi thuyết phục người chồng thay đổi, bỏ rượu để chí thú làm ăn, lo cho các con ăn học. Mưa dầm thấm lâu, người chồng cũng mở lòng, tâm sự chỉ vì ghen tuông mù quáng mà anh chán chường, lún sâu vào rượu chè rồi đánh đập vợ, bỏ bê con cái. Hiểu được vấn đề, chúng tôi dần tháo được “nút thắt” trong lòng anh, khuyên nhủ anh thay đổi. Người chồng cũng hiểu được do mình rượu chè, bỏ bê gia đình, nên vợ ngày càng phải đi sớm về muộn để làm việc kiếm thêm thu nhập chứ không phải đi ngoại tình như anh vẫn nghi ngờ. Hiểu lầm được hóa giải, người chồng đã thay đổi hoàn toàn, không còn đánh đập vợ, chịu khó đi làm và cũng không rượu chè bê bết như trước”, chị Hồ Thị Liên, Tổ trưởng tổ TTCĐ thôn Pâr Ay vui mừng chia sẻ.

Chuyển biến tích cực

Bà Đặng Đỗ Liên Chi, Chánh văn phòng Hội LHPN tỉnh cho biết, đội ngũ tuyên truyền viên của các tổ TTCĐ là những người gần dân, hiểu dân, được Nhân dân tin tưởng. Họ còn là người có trách nhiệm, khả năng kết nối các mối quan hệ. Việc lựa chọn người đứng đầu khu dân cư làm tổ trưởng tổ TTCĐ sẽ nâng cao uy tín, hiệu quả tuyên truyền, vận động. Sau gần một năm triển khai, Hội LHPN tỉnh đã thành lập được 43 tổ TTCĐ, riêng huyện A Lưới đã thành lập 13 tổ TTCĐ ở các xã vùng ĐBDTTS, tới cuối năm sẽ thành lập thêm 13 tổ TTCĐ nữa.

Nhằm nâng cao hiệu quả vận động người dân thực hiện BĐG, giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến PN và TE, Hội LHPN tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, điều hành cho các tổ TTCĐ. Các buổi tập huấn cũng là nơi để các tổ TTCĐ chia sẻ kinh nghiệm về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình.

Việc các thành viên trong tổ luôn có ý thức, thường xuyên nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của đảng viên và Nhân dân rồi tổng hợp, đưa ra thảo luận giữa thành viên trong tổ; tìm hướng giải quyết, tháo gỡ vướng mắc đã giúp tổ TTCĐ ở huyện A Lưới hoạt động ngày càng hiệu quả. Với nòng cốt là bí thư chi bộ thôn, 13 tổ TTCĐ, mỗi tổ có 7 đến 10 thành viên ở huyện A Lưới đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ những kiến thức, chính sách, pháp luật, nhất là các quy định của pháp luật về BĐG; loại bỏ định kiến giới, hủ tục, thói quen lạc hậu; chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế... mà các tuyên truyền viên mang đến với người dân đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho PN, TE ở các xã đặc biệt khó khăn của huyện.

Mô hình tổ TTCĐ sau khi thành lập, đi vào hoạt động bước đầu đã có tác động tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chính sách, pháp luật Nhà nước. Hầu hết các công việc khi có tiếng nói của bí thư chi bộ thôn, các thành viên cốt cán trong thôn được bà con đồng thuận nghe theo và thực hiện. Các thành viên tổ còn nắm bắt đời sống Nhân dân để hỗ trợ khi cần thiết, tăng cường kết nối giữa các hộ ở khu dân cư. Tổ TTCĐ không những giúp lan tỏa chính sách, quy định đến nhiều người mà còn giúp lãnh đạo địa phương nắm được nhiều thông tin hữu ích, ngăn chặn các tệ nạn xã hội cũng như kịp thời tiếp nhận các ý kiến phản ánh của Nhân dân ở mọi lĩnh vực.

Bài, ảnh: Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

TIN MỚI

Return to top