ClockThứ Hai, 21/03/2022 07:03

Góp sức làm sạch môi trường

TTH - Xây dựng những mô hình sáng tạo, gần gũi, thiết thực, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh đang góp sức quan trọng chung tay bảo vệ môi trường.

Xây dựng các cấp Hội vững mạnh, hướng đến quyền lợi của phụ nữNhân rộng điển hìnhĐiểm nhấn thi đua

Hội viên phụ nữ xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang tận dụng hoa quả hư để làm dung dịch phân tưới cây

Tận dụng rác hữu cơ

Tan chợ, chị Nguyễn Thị Hường, tiểu thương buôn bán rau củ quả ở chợ Mai, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, gom toàn bộ rau, quả hư thành đống rồi nhanh tay cắt nhỏ cho vào xô, trộn đều với men để ủ phân hữu cơ dùng bón cây. “Từ 5 tháng nay tôi đều làm như thế này, lượng phân thu được cũng đủ để trồng mấy chậu rau trong nhà. Rau được bón từ phân hữu cơ xanh tốt và ít sâu hẳn”. Chị Hường chia sẻ.

Chị Hường kể, quy trình tận dụng rác thải hữu cơ ủ thành phân hữu cơ chị biết nhờ được tham gia lớp tập huấn phân loại và xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO), do các cấp hội phụ nữ tổ chức.

Làm nghề nông, gia đình chị Hoàng Thị Thôi, chi hội phụ nữ thôn Dưỡng Mong, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang có nhiều phụ phẩm nông nghiệp. Đến mùa thu hoạch, vợ chồng chị không biết xử lý thân cây ngô, khoai, đậu như thế nào để mang lại hiệu quả. Từ ngày biết quy trình xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa, chị liền áp dụng.

Chị Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ cho biết, việc phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình từng bước làm thay đổi ý thức, cách làm của phụ nữ nói riêng và người dân trong phường nói chung về việc tham gia bảo vệ môi trường. Hiện, hội đang tích cực vận động hội viên tham gia mô hình phân loại, tận dụng các vật dụng sẵn có trong gia đình để xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón phục vụ sản xuất.

Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, mô hình xử lý rác thải hữu cơ bằng phương pháp sử dụng vi sinh bản địa (IMO) được Hội LHPN tỉnh xây dựng nhằm phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống xanh.

Trước khi triển khai mô hình IMO cho các cơ sở, đội ngũ cán bộ Hội LHPN tỉnh đã được các chuyên gia là các kỹ sư nông nghiệp chuyển giao kỹ năng, phương pháp tập huấn hướng dẫn hội viên thực hiện. Nguyên liệu sẵn có, sản phẩm có giá thành thấp lại hữu ích cho cuộc sống nên mọi người đều tâm đắc. Đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được 8 mô hình điểm trên địa bàn toàn tỉnh.

Duy trì và phát triển mô hình, Hội LHPN tỉnh thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện và nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với khả năng của phụ nữ, giúp các chị tạo sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ thiết thực đời sống và tăng thu nhập cho gia đình. Qua đó góp phần thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp hội phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng hàng trăm mô hình

Hằng tuần, hưởng ứng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, hội viên phụ nữ các cấp đều ra quân vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, phân loại rác thải…

Hiện nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh xây dựng 261 mô hình giữ gìn vệ sinh môi trường, giảm ô nhiễm, giảm thải ra môi trường hoặc mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức hàng trăm đợt ra quân, thu hút hàng chục ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, xây dựng 542 tuyến đường do phụ nữ tự quản và 17 điểm sinh hoạt cộng đồng “xanh - sạch - sáng - thân thiện với môi trường”. Duy trì có hiệu quả 251 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng một lần” và “Chống rác thải nhựa” đã được các cấp hội lồng ghép tuyên truyền trong nội dung sinh hoạt chi, tổ hội nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, cộng đồng.

Thông qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, như: “Đổi rác thải lấy màu xanh”, “Biến rác thành tiền”, “Hạn chế sử dụng túi ni lông, dùng giỏ nhựa đi chợ”... Phong trào đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo thôn, bản, khu phố; được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Để triển khai hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung về bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt định kỳ của câu lạc bộ, chi, tổ, hội phụ nữ, bằng nhiều hình thức. Các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; kỹ năng vận động và hướng dẫn phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình cho hàng ngàn cán bộ chi, tổ, hội viên nòng cốt, đoàn thể khu dân cư, hội viên phụ nữ.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

TIN MỚI

Return to top