|
|
Các cấp hội phụ nữ tham gia hoạt động dân vũ |
Chị Trần Thị Bé, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Lại Bằng 2, phường Hương Vân, TX. Hương Trà bảo, thôn chị có nhiều phong trào lắm, song, chị em “khoái” nhất vẫn là tập dân vũ. Không giống như thành phố, ở nông thôn, phụ nữ đi tập dân vũ hàng đêm không dễ. Có chị, chồng không cho đi, vậy là, chị Bé phải cắt cử chồng mình mỗi tối sang nhà những anh chồng khó tính uống trà, còn chị lại đến rủ các chị vợ đi tập dân vũ. Dần dần, thấy vợ khỏe khoắn, nhiều ông chồng tự nguyện phụ giúp vợ dọn dẹp nhà cửa để các chị có thời gian tham gia sinh hoạt cộng đồng.
Tôi vẫn thích clip mà chị Đặng Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng An – Quảng Điền chia sẻ. Phụ nữ ở Quảng An chủ yếu làm nông. Thế nên, khiêu vũ vẫn xa lạ với họ. Thời gian đầu luyện tập, các chị gặp khó khăn vì không có thầy hướng dẫn. Các thành viên trong câu lạc bộ tự lên mạng mày mò từng bước nhảy, học theo youtube, rồi hướng dẫn cho nhau. Do đều có chung niềm đam mê với các vũ điệu nên họ luyện tập rất nhanh. Mỗi bài mới, chỉ sau dăm ba buổi là chị em thuộc các bước đi, rồi ghép nhạc.
Chung quy, nhảy dân vũ không cầu kỳ đòi hỏi sức khỏe như khiêu vũ thể thao mà các động tác đơn giản, dễ nhớ, dễ học nên phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia. Theo nền nhạc được phát ra từ chiếc loa đặt một bên góc sân, chị em lần lượt tập nhảy chuẩn bị cho cuộc thi “Vũ điệu khỏe, đẹp”. Tôi nhớ nụ cười của mệ Sen, chị Luyến ở Chi hội Phụ nữ xã Quảng An (Quảng Điền) khi nói rằng, từ ngày tập dân vũ, sức khỏe được cải thiện, tự tin, năng động hơn. Chị em cùng nhau trao đổi những câu chuyện trong cuộc sống, nhờ đó tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các hội viên phụ nữ.
Nhảy dân vũ là hoạt động thể dục thể thao phù hợp với chị em phụ nữ, nhất là ở vùng nông thôn. Không đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị mà chỉ cần những nơi có diện tích, không gian rộng như sân, khuôn viên hoặc hội trường nhà văn hóa thôn để tổ chức. Nhiều câu lạc bộ nhảy dân vũ đang tập luyện các điệu được cải biên từ điệu valse, cha cha cha, tango, zum ba… hay lồng ghép qua các bài hát thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, dễ học, dễ nhảy, phù hợp với nhiều lứa tuổi nên có sức thu hút lớn và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng cho phong trào văn hóa, thể thao của thôn, của xã ngày một phát triển.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Ánh Tuyết chia sẻ: Phong trào dân vũ không chỉ giúp chị em rèn luyện sức khỏe mà còn nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương. Phụ nữ bước ra sân khấu, chăm chút bản thân, vui, khỏe, trẻ, đẹp cùng các vũ điệu, tinh thần phấn chấn, để làm điểm tựa cho chồng con, vun đắp hạnh phúc gia đình. Nhảy dân vũ cũng góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn, đồng thời xây dựng hình ảnh người phụ nữ tự tin, văn minh, hiện đại.