ClockThứ Ba, 06/10/2020 16:37

Mô hình hay của phụ nữ dân tộc thiểu số

TTH - “Giúp nhau cải tạo vườn tạp”, “Thực hiện tiết kiệm mùa vụ”… là những cách làm hiệu quả được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hương Sơn, huyện Nam Đông áp dụng từ 2 năm nay.

Bồi dưỡng kiến thức cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Hội viên phụ nữ Hương Sơn quyên góp cây chuối giống để giúp nhau cải tạo vườn tạp

Giúp nhau cải tạo vườn tạp

Khu vườn với hàng trăm cây chuối và dứa đã cho thu nhập của chị Phạm Thị Với ở thôn A2, xã Hương Sơn là kết quả của mô hình giúp nhau cải tạo vườn tạp.

Chị Với cho biết, 2 năm trước, khu vườn của chị không mang lại giá trị kinh tế, nên dù có đất vườn nhưng kinh tế gia đình luôn khó khăn.Năm 2018, chị được Hội LHPN xã chọn làm điểm thực hiện mô hình “Giúp nhau cải tạo vườn tạp” và được hội hỗ trợ 1 tạ phân bón, tặng gần 200 cây giống là chuối và dứa, đồng thời được các chị huy động ủng hộ ngày công để trồng.

Sau hơn 1 năm, vườn chuối của chị mang lại thu nhập hơn 15 triệu đồng. Thấy hiệu quả, chị Với cải tạo diện tích đất còn lại trồng thêm hơn 100 cây chuối mới. Hiện vườn cây ăn quả của gia đình chị đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị Với từ hộ cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Ý nghĩa hơn, từ vườn cây của mình, chị đã nhân được cây giống để tặng lại những hộ khác khi họ cần.

Thấy chị Phạm Thị Với cải tạo vườn có hiệu quả, đầu năm nay, chị Trần Thị Minh Tâm ở thôn Ta Noong cũng đăng ký để được hỗ trợ cải tạo vườn tạp. Khu vườn với 100 cây chuối của chị Tâm đang phát triển tốt, dự định cuối năm nay sẽ cho thu nhập. Chị Với và chị Tâm là 2 trong số 12 hộ được Hội LHPN xã Hương Sơn giúp cải tạo vườn tạp để mang lại hiệu quả kinh tế.

“Giúp nhau cải tạo vườn tạp” là mô hình được Hội LHPN xã đăng ký học tập và làm theo lời Bác từ 2 năm nay. Theo chị Trần Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Sơn, để có nguồn cây giống giúp các chị cải tạo vườn tạp, hội quyên góp các giống cây ăn quả đang được thị trường ưa chuộng từ các gia đình hội viên khác và huy động chị em ủng hộ ngày công cải tạo đất. Đối tượng hướng tới là những hội viên phụ nữ có diện tích đất vườn nhưng chưa biết phát huy để mang lại thu nhập. Riêng những hộ nghèo, khó khăn, được hội hỗ trợ tiền phân bón ban đầu.

Để giúp hội viên tiêu thụ sản phẩm, Hội LHPN xã cũng đã thành lập tổ liên kết “Trồng và tiêu thụ chuối thanh tiên và dứa an toàn xã Hương Sơn”. Hiện tổ liên kết đang nỗ lực kết nối, đưa sản phẩm của hội viên vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh, giúp chị em nâng cao thu nhập.

Học cách tiết kiệm

Hội LHPN xã Hương Sơn còn phát động phong trào “Tiết kiệm mùa vụ”, thu hút đông đảo chị em tham gia. Chị Thắm cho biết, 100 hội viên của xã là người dân tộc thiểu số nên việc cân đối chi tiêu trong gia đình có phần hạn chế. Vào mùa thu hoạch, có sẵn tiền có chị chi tiêu phung phí, hết mùa lại rơi vào cảnh túng thiếu. Vì vậy, từ năm 2018, Hội LHPN xã đã phát động phong trào “Tiết kiệm mùa vụ”. Cán bộ hội trực tiếp về từng chi, tổ hội để hướng dẫn cho hội viên cách dành dụm, tiết kiệm và chi tiêu hợp lý. Để tạo động lực cho các chị tham gia, đầu năm, các chi hội trích tiền quỹ tặng cho mỗi chị một con heo đất và quy định mỗi chị ít nhất mỗi ngày tiết kiệm 2 ngàn đồng, khuyến khích các chị tăng tiền tiết kiệm trong dịp thu hoạch mùa vụ. Cuối năm, hội tổ chức lễ hội đập heo tiết kiệm, biểu dương các chị thực hiện tiết kiệm tốt.

Qua 2 năm thực hiện, có chị tiết kiệm được 15 triệu đồng/năm, những chị khó khăn cũng tiết kiệm được 6-7 triệu đồng. “Ngày bình thường tôi tiết kiệm 10 ngàn đồng, dịp mùa vụ, có đồng ra đồng vào hơn nên tôi bỏ heo đất nhiều hơn. Nhờ vậy, năm nào tôi cũng đủ tiền lo được cái Tết tươm tất cho gia đình”, chị Hồ Thị Diễm, thôn Ta Noong tâm sự.

Ngoài ra, Hội LHPN Hương Sơn còn học Bác ở tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau trong ốm đau, hoạn nạn…Từ các mô hình này, năm 2018, Hội LHPN xã Hương Sơn được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh vì có nhiều thành tích trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; năm 2019 được nhận Bằng khen của Hội LHPN tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Người "truyền lửa" cho phong trào phụ nữ

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là một trong 30 cán bộ hội xuất sắc, được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Người truyền lửa cho phong trào phụ nữ
Những sắc hoa hồn hậu

Mong mỗi nụ cười đều rạng rỡ, mỗi bước chân đều cứng trên đá mềm và mỗi mẹ, mỗi chị đều là sự ấm áp, là niềm tự hào của cuộc sống này.

Những sắc hoa hồn hậu
Khi doanh nhân là phụ nữ

Con số 35% trong tổng số khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Thừa Thiên Huế do phụ nữ quản lý tuy còn khá khiêm tốn, nhưng cũng thật đáng nói khi so sánh với con số 20 - 24% trong cả nước, một tỷ lệ đủ để doanh nhân nữ nước ta đạt mức cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Khi doanh nhân là phụ nữ

TIN MỚI

Return to top