|
Chị Tiệp (bên phải) động viên khích lệ tinh thần chị em phụ nữ thôn tham gia phong trào văn thể mỹ ở địa phương |
Ngoài 30 tuổi, chị Tiệp có nhiều năm giữ vai trò Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Xuân Lộc và mới đây được bà con tín nhiệm làm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn. Ở cương vị nào, chị Tiệp cũng đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thôn Xuân Lộc có hơn 200 hộ với hơn 1.500 nhân khẩu, nhưng phần lớn người dân theo các ngành nghề sản xuất nông nghiệp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, rào cản lớn chính là nhận thức của người dân chưa thấu đáo. Một số trường hợp cho rằng, xây dựng NTM là việc của Nhà nước. Do đó, vai trò, trách nhiệm của chị Tiệp càng nặng nề, nhất là làm sao để người dân hiểu, việc xây dựng NTM là một phần do dân và dân được thụ hưởng.
Để mở 0,5km đường từ thôn nối Tỉnh lộ 11B phải mất nhiều thời gian vận động người dân địa phương hiến gần 500m2 đất và cây cối để có mặt bằng triển khai. Nhưng để hình thành con đường bê tông sạch đẹp lại thêm cam go, bởi nguồn kinh phí cấp trên chỉ hỗ trợ một phần. Sau một thời gian ngắn, chị Tiệp cùng với cấp ủy, trưởng thôn "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để vận động người dân chung sức đóng góp. Tuyến đường bê tông được hoàn thiện và được xem là hình mẫu của thôn Xuân Lộc hiện nay. Anh Nguyễn Đình Tý, nguyên Trưởng ban công tác Mặt trận thôn khẳng định: "Con đường bê tông ấy nếu không có sự dốc sức của chị Tiệp, đến nay chắc vẫn chưa hoàn thiện".
Khoảng 3 năm gần đây, thôn Xuân Lộc xây dựng được gần 4km đường bê tông, đạt hơn 80% số đường nhánh, liên xóm đã kiên cố hóa, trong đó đều có sự đóng góp trách nhiệm của chị Tiệp. Khi đề xuất triển khai một tuyến bê tông, dù ngắn hay dài, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, phần còn lại đều do người dân đóng góp. Một tuyến đường bê tông ra đời chí ít mỗi hộ phải đóng góp từ 3-5 triệu đồng. Số tiền ấy không nhỏ đối với bà con ở thôn Xuân Lộc, nhưng nhờ kiên trì phân tích, vận động khéo léo của chị Tiệp, mọi người đã đồng tình.
Mấy năm nay, những chủ trương, chính sách từ huỵện, xã như nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, lắp đặt đèn chiếu sáng về đêm cho các đoạn đường, tu sửa kênh mương… lên hàng trăm triệu đồng đều được chị Tiệp góp công tuyên truyền, vận động người dân trong và ngoài địa phương hỗ trợ. Phong trào sạch rác, sạch nhà, khu dân cư trong thôn không ô nhiễm môi trường… cũng được chị Tiệp luôn đề xuất ý tưởng, cùng với cấp ủy, Ban công tác Mặt trận thôn triển khai hiệu quả. Dấu ấn mới của chị Tiệp gần đây là hình thành 2 "ngôi nhà xanh" tại thôn. Đây là những địa chỉ lưu trữ các đồ nhựa, lon bia giúp bà con địa phương có ý thức phân loại rác thải tại nguồn và biến chúng thành tiền. Tầm 1-2 tháng, sản phẩm từ mỗi "ngôi nhà xanh" thu được 1-2 triệu đồng. Số tiền này dùng tạo quỹ để hỗ trợ kịp thời các hoàn cảnh khó khăn và trao quà cho học sinh nghèo học giỏi; bình quân mỗi năm trao hơn 10 suất, mỗi suất 200-300 nghìn đồng.
Chị Tiệp cũng là gương điển hình nỗ lực trong kinh doanh làm ăn hiệu quả. Trẻ, năng động, chị Tiệp mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở quán cà phê, đầu tư máy photocopy phục vụ khách hàng liên vùng, tạo thu nhập ổn định.
Bà Hồ Thị Kim Xuyến, Chủ tịch UBMTTQ xã Phong Xuân nhận xét: "Dù ở vai trò, cương vị nào của thôn, chị Tiệp đều thể hiện rõ trách nhiệm, tận tụy với công việc, luôn đặt lợi ích tập thể lên lợi ích cá nhân. Thành quả trong chương trình xây dựng NTM của xã Phong Xuân có phần đóng góp của chị Tiệp khá lớn. Gương sáng như chị Tiệp cần được lan tỏa trong cộng đồng".