ClockThứ Ba, 31/08/2021 14:33

Nữ quân nhân “hai vai”

TTH - Chồng của các chị, những cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) đang tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch. Bản thân cũng là người lính, các chị vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ đơn vị, vừa chu toàn công việc gia đình để chồng yên tâm cùng với các lực lượng chống dịch...

Nữ quân nhân “Bốn tốt”

Đại úy QNCN Hoàng Thị Thanh Trâm chuẩn bị bữa trưa cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị

Gần hai tháng nay, Thiếu tá QNCN Lê Lệ Hiền, nhân viên bảo mật, Ban CHQS thị xã Hương Thủy luôn tất bật. Từ ngày COVID-19 bùng phát trở lại, đơn vị huy động lực lượng tham gia phòng, chống dịch, chị Hiền phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc hơn mọi ngày, từ bảo đảm tốt công tác văn thư bảo mật, đến tham gia phục vụ nấu ăn, tăng gia sản xuất…

Sau khi hoàn thành tất cả các công việc tại đơn vị, chị tranh thủ về nhà lo cơm nước, tắm giặt cho hai cô con gái. Dù công việc đơn vị và gia đình tương đối nhiều, nhưng với bản chất người lính, chị luôn nhiệt tình, xông xáo, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chồng của Thiếu tá QNCN Lê Lệ Hiền là Trung tá Hà Trọng Thường, Phó Chính ủy Trung đoàn 6, hiện anh đang đảm nhiệm chức vụ Chính trị viên Khung cách ly T1 (khu cách ly Trung đoàn 6). Do anh tham gia thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch nên nhiều tháng qua, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình một mình chị sắp xếp, lo toan; trong ngày vợ chồng, con cái chỉ nói chuyện thăm hỏi, động viên, trao đổi với nhau qua điện thoại.

Thiếu tá QNCN Lê Lệ Hiền bộc bạch: Là người lính bản thân tôi luôn xác định tốt nhiệm vụ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 thì những người lính, những đồng đội trong đó có chồng tôi luôn sẵn sàng để lên đường tham gia phòng, chống dịch, góp phần mang lại bình an cho nhân dân. Dù thiếu vắng sự chia sẻ của chồng trong mọi công việc gia đình, nhưng bản thân luôn không ngừng cố gắng để sắp xếp chu đáo, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ trong đơn vị, vừa chăm lo cho con cái. Vì nhiệm vụ chung, bản thân mình cố gắng thêm một chút để anh an tâm trên tuyến đầu chống dịch.

Cũng có chồng đang tham gia thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu phòng, chống dịch, nhiều tháng qua, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, chăm sóc con cái, một tay Đại úy QNCN Hoàng Thị Thanh Trâm, nhân viên nuôi quân, Đại đội 20 Trinh sát, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh luôn tự cáng đáng một mình.

Chồng chị là Đại úy QNCN Cao Ngọc Hà, Nhân viên Quân khí, Ban CHQS huyện Phong Điền thường xuyên bám trụ tại chốt kiểm soát y tế liên ngành để phòng, chống dịch. Anh bận tham gia trực ở chốt không về, trong cuộc sống hàng ngày, mẹ con, chị cũng gặp không ít khó khăn. để anh an tâm trên tuyến đầu, chị Trâm một mình tự tay sắp xếp, làm hết mọi việc, kể cả những công việc khó khăn, nặng nhọc.

Đại úy QNCN Hoàng Thị Thanh Trâm tâm sự: Thời gian qua, không riêng gì anh Hà, nhiều cán bộ, chiến sĩ trong chính đơn vị và các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh cũng đang ngày, đêm căng mình tham gia trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Biết bao khó khăn vất vả và nguy hiểm, mình vừa là hậu phương vừa quân nhân nên rất thương những người trên tuyến đầu. Mọi công việc lúc này dù có vất vả đến mấy mình cũng sẽ gắng hết mình, chỉ mong anh và các đồng đội có nhiều sức khỏe để chiến đấu với “giặc COVID”, mang lại bình an cho Nhân dân.

Từ khi dịch bùng phát, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị Bộ CHQS tỉnh xung phong tham gia tuyến đầu chống dịch. Họ chia tay vợ con, tạm gác mọi công việc gia đình, mọi dự định bản thân để lên đường với quyết tâm cao nhất, có đồng chí nhiều tháng trời chưa được về thăm nhà. Ở hậu phương, vợ của các anh luôn vững vàng, khắc phục khó khăn, họ luôn làm “tròn vai” để chồng an tâm chống dịch.

Trung tá Lê Văn Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh khẳng định, nữ quân nhân ở các cơ quan, đơn vị Bộ CHQS tỉnh thời gian qua đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ; đặc biệt là số chị em có chồng đang tham gia tuyến đầu phòng, chống COVID-19, có những chị em gia đình rất khó khăn, con cái còn nhỏ, gia đình nội ngoại toàn ở xa, nhưng chị em đã sắp xếp rất tốt công việc đơn vị, gia đình để các anh an tâm thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu, qua đó góp phần quan trọng để Bộ CHQS tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: Lê Sáu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Return to top