Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND các cấp phấn đấu nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu tham gia HĐND (Trong ảnh: Đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 trong giờ giải lao tại một phiên họp HĐND tỉnh). Ảnh: THÁI BÌNH
Khẳng định
Là đại biểu HĐND cấp tỉnh và huyện, nhiệm kỳ 2016 – 2021, bà Lê Thị Thu Hương, TUV, Bí thư Huyện ủy Nam Đông không ngừng nỗ lực làm tốt vai trò “cầu nối”, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, người dân đến các cơ quan chức năng.
Bà Lê Thị Thu Hương kể: Khi UBND tỉnh có Quyết định 32/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 về “Ban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020”, tôi thấy có nhiều nội dung còn mang tính cào bằng giữa huyện miền núi với các huyện đồng bằng. Điều này chưa phù hợp với người dân vùng sâu, vùng xa của huyện Nam Đông nên khó vận động người dân thực hiện. Vì vậy, trong các kỳ họp HĐND tỉnh, tôi mạnh dạn kiến nghị, đề xuất. Hiện UBND tỉnh đang sửa đổi, bổ sung quy định này.
Nữ đại biểu HĐND tỉnh Lê Thị Thu Hương còn kiến nghị, đề xuất thành công việc xây dựng nhà máy nước cho các xã vùng cao của huyện. Dự kiến trong quý 3 năm nay, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, phục vụ người dân cũng như góp phần xây dựng huyện nông thôn mới.
Nhiệm kỳ 2016-2021, bà Trần Thị Thu Điệp, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Trà được cử tri tín nhiệm bầu vào HĐND thị xã và được phân công nhiệm vụ là Phó ban Kinh tế - Xã hội. Trách nhiệm với cử tri, bà Điệp không ngại va chạm trong các phiên thảo luận, chất vấn UBND thị xã, các ủy viên ủy ban về những hạn chế trong điều hành, chỉ đạo để đi đến mục đích chung là thúc đẩy công việc theo hướng tích cực.
Nhiều vấn đề đại biểu Trần Thị Thu Điệp phản biện, đề xuất đã được UBND thị xã tiếp thu, có kế hoạch chỉ đạo cơ sở, các đơn vị, ngành liên quan trong triển khai thực hiện. Tiêu biểu như việc thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; việc thực hiện thu và sử dụng quỹ xã hội hóa giáo dục; thực hiện các mô hình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư; thực hiện chính sách hỗ trợ, cho vay vốn đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thị xã.
Trong quá trình thực hiện vai trò đại biểu HĐND tỉnh, bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của một thành viên Ban Văn hóa - Xã hội mà bà còn chủ động đề cập thêm các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em như phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em.
Theo ông Cái Vĩnh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các nữ đại biểu đã tích cực tham gia vào mọi hoạt động của HĐND các cấp. Qua hoạt động giám sát, nữ đại biểu HĐND các cấp đã đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp phù hợp giúp cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát và các cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục hạn chế; nâng cao trách nhiệm, hoạt động hiệu quả hơn.
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 7/53 đại biểu HĐND tỉnh là nữ, chiếm tỷ lệ 13,21%, trong đó có 1 nữ giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Ở cấp huyện có 72/307 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 23,45%. Cấp xã có 904/3.862 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 23,41%
Cần sự cộng hưởng từ nhiều phía
“Dù có những chuyển biến tích cực, song tỷ lệ nữ đại biểu dân cử còn thấp, không có nữ đại biểu Quốc hội. Để tìm giải pháp cho vấn đề này cần sự cộng hưởng từ nhiều phía”, ông Cái Vĩnh Tuấn khẳng định.
Tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2 do UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức nhằm thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026, tỷ lệ nữ tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là 6/13, đạt tỷ lệ 46% và nữ tham gia ứng cử HĐND tỉnh là 36/96, đạt tỷ lệ 37,5%, vượt so với Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo ông Cái Vĩnh Tuấn, để tăng tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã quán triệt cho các cấp ủy Đảng, Thường trực HĐND và UBMTTQ Việt Nam các cấp trong quá trình dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử cần quán triệt sâu sắc chủ trương bình đẳng giới.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị được dự kiến phân bổ người ứng cử phải là những nơi có điều kiện để có thể giới thiệu người ứng cử là nữ. Bảo đảm cân bằng về giới khi phân bổ số lượng các ứng cử viên, các ứng cử viên nữ không “gánh” quá nhiều cơ cấu. Đối với người ứng cử, chị em phải hết sức tự tin, tuyệt đối không bao giờ tự cho rằng mình chỉ là “đệm” cho người khác, dẫn đến buông xuôi, làm cho qua chuyện, mà phải quyết tâm khẳng định mình và thuyết phục cử tri...
Về lâu dài phải làm tốt công tác quy hoạch, nhất là phải quan tâm đến nhân tố nữ trẻ để đào tạo, bồi dưỡng nhằm giới thiệu vào các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, HĐND các cấp. Quan trọng hơn, bản thân các ứng cử viên nữ được giới thiệu phải không ngừng bồi đắp kiến thức chuyên môn, hiểu biết xã hội cũng như rèn luyện những kỹ năng cần thiết để làm tốt nhiệm vụ trong cơ quan dân cử.
HẢI THUẬN