Sản phẩm ngũ cốc của chị Nhung (thứ 2 từ trái sang) được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng
Theo lời giới thiệu của một người quen, cũng là khách hàng thân quen của chị Nhung, tôi đến thăm cửa hàng Ngũ cốc Phong Sơn tại thôn Phò Ninh, xã Phong An. Đây là thời điểm cửa hàng khá bận rộn khi nhu cầu sử dụng ngũ cốc vào mùa đông tăng mạnh. Chị Nhung vừa tất bật bán hàng cho khách, vừa đóng gói hàng gửi đi các tỉnh khác.
Khách vãn, chị Nhung mới có dịp nghỉ tay chia sẻ. Ban đầu chị làm bột ngũ cốc để dùng. Dần dà, nhận thấy bạn bè, người dân xung quanh cũng có nhu cầu dùng sản phẩm “handmade”nhưng không có thời gian tự làm nên chị mạnh dạn đầu tư hệ thống máy sấy, máy xay để sản xuất bột ngũ cốc với số lượng lớn. Khi sản phẩm lưu thông trên thị trường được một tháng, chị quyết định xây dựng thương hiệu sản phẩm “Bột ngũ cốc Phong An” để khách hàng dễ nhận biết và tiến hành đăng ký giấy phép kinh doanh.
Với lợi thế tận dụng nguồn ngũ cốc từ bà con nông dân trong xã trồng đảm bảo chất lượng và sản xuất theo quy trình khép kín, trung bình một tháng cơ sở bán ra khoảng 300 kg ngũ cốc với giá 140.000/kg. Những tháng mùa đông lạnh, nhu cầu sử dụng ngũ cốc cao bù cho những tháng nắng nóng. Hiện tại, cơ sở đã bỏ sỉ cho một số chi nhánh ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh…
Chị Nhung cho biết, sản phẩm bột ngũ cốc được sử dụng cho tất cả các đối tượng như: bột ăn dặm cho trẻ nhỏ, bột dành cho phụ nữ mang thai, người già, người bị tiểu đường…Với phương châm, sức khỏe khách hàng là sức khỏe của người thân, chị luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất, không chạy theo số lượng, chú trọng chất lượng.
Thành phần ngũ cốc gồm nhiều loạt hạt do chính tay chị lựa chọn như: đậu xanh, đậu đen, đậu huyết…, riêng hạt yến mạch và quả óc chó được nhập khẩu từ Mỹ với nguồn gốc rõ ràng. Ngũ cốc Phong An trước khi sấy được đem ngâm theo quy trình riêng để trung hòa các dưỡng chất, khuyến khích sản xuất các enzim có lợi, dễ dàng hấp thụ được các vitamin và chất dinh dưỡng trong hạt mà không bị táo bón hoặc ngộ độc. Việc sấy hạt cũng được thực hiện bằng máy sấy công nghiệp, theo từng loại hạt, không trộn lẫn vào nhau để bảo đảm hạt được chín đều, có mùi thơm và được trộn theo công thức phù hợp với từng đối tượng sử dụng.
Hiện nay, cơ sở kinh doanh do hai vợ chồng chị Nhung tự quản lý và sản xuất để đảm bảo chất lượng. Trước nhu cầu khách hàng ngày một tăng cao, chị dự định nhập thêm máy sản xuất để tăng năng suất trong mùa đông.
Mô hình xây dựng thương hiệu ngũ cốc Phong An của chị Nhung là một trong hai mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của Hội LHPN huyện Phong Điền năm vừa qua, được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt và giải quyết được đầu ra cho nông sản của người dân địa phương, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ.
Bài, ảnh: Minh Nguyên