Chị Trương Thị Ngọc Anh giới thiệu các sản phẩm ba lô, túi xách được sản xuất từ vải vụn tái chế của phụ nữ khuyết tật
Vượt rào cản
Thí sinh Lê Thị Sau gây ấn tượng cho nhiều người ngay từ vòng sơ khảo cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” cấp tỉnh không phải vì dáng người thấp bé hơn nhiều so với tuổi 28, mà chính là nghị lực của cô gái bị vẹo cột sống bẩm sinh này.
Ý tưởng dự án “Buôn bán, kinh doanh, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật” của chị Sau xuất phát từ sản phẩm của nhiều phụ nữ khuyết tật trên địa bàn huyện khó khăn tìm kiếm thị trường, các chị chưa biết kết nối để tiêu thụ sản phẩm cho nhau.
Thời điểm dự thi, dự án của chị Sau đã kết nối giúp một số chị có hiệu quả. Để khẳng định thêm tính khả thi của dự án với Ban giám khảo, chị Sau cho biết, nếu được hỗ trợ đầu tư, chị sẽ tận dụng mặt bằng của Hội Người khuyết tật huyện để trưng bày sản phẩm, thiết kế lôgô mang tên “Phụ nữ khuyết tật Quảng Điền”. Ngoài mặt hàng hiện có là nón lá, hương trầm, chổi, chị sẽ vận động hội viên làm thêm các sản phẩm lưu niệm từ len, sản xuất hoa giấy... để đa dạng hóa sản phẩm. Để cạnh tranh thị trường, cùng với marketing, chào hàng tại các đơn vị, doanh nghiệp, cửa hàng tạp hóa, chị tận dụng, khai thác tối đa các trang mạng xã hội để giới thiệu và bán sản phẩm...
Với nỗ lực của mình, Sau đã đoạt giải khuyến khích tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và vào vòng chung kết Cuộc thi “Phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp toàn quốc”.
May mắn hơn, qua cuộc thi, chị Sau được Công ty Cty CP Frit Huế hỗ trợ 50 triệu đồng để hoàn thiện dự án và thêm một doanh nghiệp khác nhận hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác.
Chị Sau chia sẻ: “Rất cảm ơn các cấp hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho tôi tham gia cuộc thi, để tôi được khẳng định bản thân, có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và kết nối kêu gọi hỗ trợ, đầu tư”.
Dù ở tuổi 56, lại khó khăn về đi lại do chân bị tật, song chị Ngọc Anh vẫn quyết định khởi nghiệp với dự án “May ba lô, túi xách bằng vải tái chế”. Chị Ngọc Anh kể, nhận thấy thị trường ngành may mặc trên thị trường phát triển mạnh, nhiều vải vụn không sử dụng, xả thải sẽ ảnh hưởng môi trường, trong lúc nhiều hội viên của mình có sẵn nghề may trong tay. Nếu liên hệ các xưởng may xin vải vụn để các chị may túi xách ba lô thời trang sẽ tạo việc làm, giúp phụ nữ khuyết tật, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. Ý tưởng của chị Ngọc Anh được tiếp sức khi được các dự án nhận đặt hàng làm quà tặng.
Cần sự đồng hành
Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ với tất cả mọi người, với những phụ nữ khuyết tật càng gian nan gấp bội. “Chúng tôi có nghị lực, niềm tin vượt khó ở bản thân. Nhưng điều kiện rất khó để chúng tôi hiện thực hóa ý tưởng, dự án của mình. Rất mong được sự quan tâm của các cơ quan chức năng liên quan, sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự ủng hộ của toàn xã hội để ý tưởng, dự án của chúng tôi thực sự phát huy hiệu quả, tạo việc làm cho người khuyết tật”, chị Ngọc Anh bày tỏ.
Theo chị Ngọc Anh, hiện thị trường cho các sản phẩm còn rất hạn chế, người tiêu dùng tiếp cận và mua sản phẩm của chị em theo hình thức ủng hộ là chủ yếu, chưa thật sự xem là sản phẩm cạnh tranh, vì vậy lượng tiêu thụ còn ít. Chị mong được quan tâm, hướng dẫn để mở rộng thị trường; có được mặt bằng để trưng bày sản phẩm cũng như làm nơi trải nghiệm cho du khách tham quan khi đến Huế du lịch.
Theo chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, phụ nữ khuyết tật tham gia khởi nghiệp có ý tưởng, dự án khả thi sẽ được tham gia các khóa đào tạo, tư vấn kỹ thuật. Đồng thời, được hỗ trợ tiếp cận tài chính, kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để kêu gọi hỗ trợ vay vốn, sản xuất các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo việc làm cho người khuyết tật, qua đó tăng sự hòa nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Anh Trang Hiếu Tường, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp Dự án Trường Sơn Xanh cho biết, sẽ kết nối thêm các dự án đặc thù dành cho người khuyết tật, các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện giúp các chị có thêm cơ hội kêu gọi, hỗ trợ đầu tư.
Bài, ảnh: Hải Thuận