ClockThứ Hai, 20/07/2020 08:07

Thêm kinh nghiệm thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp

TTH - “Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” vừa tạo cơ hội cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng tiến những bước xa hơn vừa giúp các cấp hội phụ nữ có thêm kinh nghiệm trong thực hiện phong trào khởi nghiệp”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trần Thị Kim Loan khẳng định.

21 ý tưởng, dự án tham dự chung khảo cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp"25 ý tưởng, dự án lọt vòng chung khảo cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” lần thứ II

 Trao giải cho các thí sinh đoạt giải tại cuộc thi

Yếu tố đổi mới, sáng tạo rõ nét hơn

Thí sinh Nguyễn Thị Đoan Trang ở phường Phú Cát (TP. Huế) đến với cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” với dự án “Thành lập doanh nghiệp thêu may, bảo tồn bản sắc văn hóa Huế”.

Chị Trang giải thích, trước đây, du khách muốn sắm một bộ áo dài thì phải đến nhiều địa điểm khác nhau để mua vải, tìm chỗ may, trang trí rất phức tạp, nay với dự án của mình, chị Trang cùng một lúc đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Hơn nữa, qua dự án này, du khách còn được tham quan trải nghiệm tất cả các công đoạn hình thành sản phẩm áo dài và tự tay hoàn thiện chiếc áo dài của mình như thêu, đính cườm… dưới sự hướng dẫn của những người thợ chuyên nghiệp, tạo cảm giác thú vị cho du khách.

 Còn khá trẻ, nhưng với ý tưởng xây dựng “Tổ du lịch sinh thái cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh”, thí sinh 9x Lường Thị Hiền ở xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) cũng tạo được dấu ấn tại cuộc thi.

Hiền chia sẻ, tận dụng thế mạnh là địa phương vùng đầm phá, có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng, cảnh quan thiên nhiên mộc mạc, mang đặc trưng riêng của khu vực đầm phá nên Hiền đã xây dựng dự án này. Để cạnh tranh với các điểm du lịch khác, Hiền giúp du khách được hòa mình vào thiên nhiên với nhiều dịch vụ đa dạng vừa hiện đại vừa truyền thống như chèo thuyền sub, ngắm hoàng hôn, thưởng thức món ăn tươi ngon, checkin làng Bích Họa, trải nghiệm bắt trìa... Năm 2019, dự án của Hiền đã cho doanh thu gần 400 triệu đồng và lãi gần 200 triệu đồng.

Anh Trang Hiếu Tường, chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đến từ Dự án “Trường Sơn Xanh” của Mỹ, Giám khảo cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” đánh giá: Các thí sinh tham gia nhiều lĩnh vực rất phong phú, bao gồm các sản phẩm truyền thống cho đến những sản phẩm dịch vụ, du lịch cộng đồng. Nhiều dự án, ý tưởng, thí sinh không chỉ biết áp dụng công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất mà còn làm mới, nâng tầm giá trị sản phẩm, đưa ra được nhiều sự lựa chọn cho khách hàng đúng như mong đợi của cuộc thi khởi nghiệp và nhu cầu thị trường. “Tôi tin tưởng nhiều dự án, ý tưởng trong cuộc thi này sẽ có tiềm năng vươn xa hơn nữa”, ông Tường kỳ vọng.

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” lần thứ 2 cho biết, so với lần thi trước, tỷ lệ các ý tưởng, dự án có yếu tố đổi mới, sáng tạo (một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của một ý tưởng, dự án khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp) lần thi này chiếm tỷ lệ cao hơn. 

Cần kết nối doanh nghiệp, nhà đầu tư

Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” lần thứ 2 thu hút 65 ý tưởng, dự án tham gia. Qua các vòng loại, Ban tổ chức chọn ra 21 thí sinh vào vòng chung khảo và có 13 thí sinh xuất sắc lọt vòng chung kết. Theo các chuyên gia khởi nghiệp, đây là con số còn khiêm tốn so với tiềm năng khởi nghiệp của phụ nữ. Điều này khiến mục đích tạo sức lan tỏa về tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng mà cuộc thi đề ra chưa đạt hiệu quả cao; chưa thu hút được những ý tưởng, dự án có quy mô lớn mang tầm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dự thi và khó thu hút các nhà đầu tư.

Theo ông Trang Hiếu Tường, để tạo sự lan tỏa, các cuộc thi khởi nghiệp nên tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá; đồng thời kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp, mời các nhà đầu tư lớn cùng tham gia. “Vì thí sinh khi tham gia cuộc thi khởi nghiệp ngoài gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, quản lý, tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, họ còn mong muốn có cơ hội gọi vốn từ các nhà đầu tư để thực hiện những ý tưởng của mình”, ông Tường giải thích.

Đối với thí sinh, lời khuyên của các chuyên gia là nên mạnh dạn tham gia các cuộc thi khởi nghiệp. Từ cuộc thi, các chị có cơ hội kiểm chứng xem mô hình kinh doanh của mình đã tốt chưa; thu hút nguồn lực không chỉ đến ngân hàng mà kết nối với các nhà đầu tư, đối tác.

 Theo chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, ở cuộc thi trước, hầu hết các dự án, ý tưởng đoạt giải đã và đang phát triển tốt, nhiều dự án đã kêu gọi được vốn đầu tư. Riêng Tỉnh hội, để tạo động lực, thúc đẩy khởi nghiệp, thông qua Quỹ “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN tỉnh đã giải ngân hơn 3 tỷ đồng cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi và nhiều tổ liên kết có tiềm năng.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ đào tạo, trang bị kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đội ngũ cán bộ hội để làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đến với hội viên, phụ nữ thông qua các buổi chia sẻ, lớp tập huấn. Đây là vấn đề đang làm nhưng sẽ triển khai sâu rộng hơn.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

TIN MỚI

Return to top