ClockThứ Tư, 27/09/2017 05:41

Thoát nghèo từ vốn vay qua kênh phụ nữ

TTH - Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững - bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chỉ đạo và phát động các cấp hội phụ nữ triển khai nhiều mô hình hay, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên và cộng đồng.

Có vốn chăn nuôi, cuộc sống gia đình chị Trần Thị Thùy Trang ngày càng ổn định

Năm 2016, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 8 mô hình/8 huyện, thị xã (Hương Thuỷ, Hương Trà) với 30 triệu đồng/1 mô hình từ nguồn quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhằm hỗ trợ sản xuất thực phẩm an toàn để tiêu thụ trong cộng đồng như: nuôi gà, trồng rau, góp phần giải quyết việc làm giúp các hội viên thoát nghèo bền vững.

Là huyện miền núi, số hộ nghèo và cận nghèo ở A Lưới còn khá cao. Để sử dụng tốt nguồn vốn này, dựa vào tình hình thực tế địa phương, Hội LHPN huyện đã xây dựng thành công mô hình rau an toàn theo hướng sản xuất kinh doanh liên hoàn, mở quầy tiêu thụ thực phẩm an toàn tại chợ trung tâm huyện để tiêu thụ sản phẩm, giúp hội viên khai thác hiệu quả diện tích đất trồng trọt tại gia đình, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống kinh tế gia đình.

Trước đây, gia đình chị Kỳ Thúy Trang ở cụm 3 thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang chỉ sống bằng nghề làm hương nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), chị đã đầu tư kinh doanh một số ngành nghề nhỏ. Thu nhập dần tăng lên nên vừa qua chị đã đầu tư mua ô tô để kinh doanh dịch vụ vận tải. Hiện, thu nhập của  gia đình chị sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi ròng trên 100 triệu đồng/năm. Chị đã xây được nhà cửa khang trang, có điều kiện chăm lo tốt việc học hành cho con cái.

Sau ngày kết hôn, vợ chồng chị Trần Thị Thùy Trang, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền gặp nhiều khó khăn. Được Hội LHPN huyện và xã đứng ra tín chấp giúp vay 20 triệu đồng từ NHCSXH, chị đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, gà theo hướng an toàn sinh học, đem lại thu nhập từ 55- 60 triệu đồng/năm. Đến nay, kinh tế gia đình chị đã khá giả, các con đều trưởng thành.

Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ làm tốt công tác quản lý vốn vay; mặt khác, tranh thủ các nguồn lực để tổ chức các lớp dạy nghề, các lớp tập huấn về quản lý kinh tế hộ, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, chăn nuôi đạt năng suất cao. Đối với các hộ nghèo, hộ phụ nữ đơn thân…, ngoài động viên, tạo điều kiện giúp chị em vay vốn, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các địa phương thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế bằng cách dựa vào tình hình thực tế từng hộ để hỗ trợ con giống, cho mượn đất sản xuất, giúp nhau ngày công làm chuồng trại… để vượt qua khó khăn, hoạn nạn.

Để các hội viên tiếp cận được với nguồn vốn vay trong đầu tư phát triển kinh tế, từ năm 2002 đến nay, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã nhận ủy thác với NHCSXH hơn 1.371 tỷ đồng cho trên 60 ngàn lượt hội viên/1.615 tổ vay vốn. Các nguồn huy động khác từ các ngân hàng, như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Liên Việt, Ngân hàng Đông Á… với tổng dư nợ trên 200 tỷ đồng cho trên 30 ngàn hộ vay. Bên cạnh đó, các cấp hội cũng đã xây dựng thành công nhiều mô hình hay giúp hội viên nghèo khởi nghiệp, như: mô hình thu gom phế liệu, nuôi heo đất, hũ gạo tiết kiệm…

Từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo, cải thiện đời sống, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động và hàng ngàn lao động bán thời gian. Thông qua hoạt động vay vốn, cán bộ, hội viên phụ nữ còn được nâng cao kiến thức, kinh nghiệm về quản lý và điều hành vốn vay. Đồng thời, tạo thêm sự gắn bó giữa phụ nữ nghèo với các cấp hội, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình, mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm.

Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh khẳng định: “Việc sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn vay của các cấp hội  góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho chị em phụ nữ và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế

Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là một trong những nội dung quan trọng của dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang triển khai.

Giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế
Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo

Với cách làm linh hoạt, hiệu quả, sát với tình hình thực tế, huyện Phú Lộc đang đưa các chính sách, mô hình thiết thực đến với hộ nghèo để giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Động lực để người dân vươn lên thoát nghèo
Người "truyền lửa" cho phong trào phụ nữ

Chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh là một trong 30 cán bộ hội xuất sắc, được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng.

Người truyền lửa cho phong trào phụ nữ
Những sắc hoa hồn hậu

Mong mỗi nụ cười đều rạng rỡ, mỗi bước chân đều cứng trên đá mềm và mỗi mẹ, mỗi chị đều là sự ấm áp, là niềm tự hào của cuộc sống này.

Những sắc hoa hồn hậu
Return to top