Tại diễn đàn phụ nữ với kinh tế trong khuôn khổ Hội nghị Apec diễn ra ở Huế cuối tháng 9/2017
Thưa bà, tại diễn đàn Phụ nữ và kinh tế APEC 2017 vừa diễn ra ở Huế, một trong những vấn đề được nhấn mạnh là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực. Với vai trò là Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Để khoảng cách về giới trong xã hội ngày càng được thu hẹp hơn, theo tôi, vấn đề cần được quan tâm nhất vẫn là giúp phụ nữ tiếp cận thị trường lao động để chị em tự chủ về tài chính, mở rộng giao lưu với xã hội. Đó là điều kiện tốt để học tập, phát huy năng lực, sáng tạo trong công việc.
Văn kiện hướng dẫn “Lồng ghép giới trong APEC - Sáng kiến của Việt Nam” nhằm hướng dẫn các thành viên về cách thức lồng ghép vấn đề giới. Cùng với đó, Quỹ Phụ nữ và Kinh tế sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2018, hứa hẹn mang đến cơ hội và nguồn lực nhiều hơn để thực hiện các chương trình và chính sách bình đẳng giới tại các nước APEC, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền năng cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế.
Về phía các cấp hội sẽ làm gì để giúp phụ nữ đạt được những điều đó?
Chúng tôi chỉ đạo các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục bám sát các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh và địa phương, đề ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả khâu đột phá nhằm tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Cụ thể, duy trì tốt các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Xây dựng quỹ tiết kiệm tự nguyện tại chi, tổ”… để tạo nguồn vốn từ nội lực giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Đồng thời, tăng cường khai thác và quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ các ngân hàng, các dự án quốc tế hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm các mô hình “Sản xuất sạch”, “Tiêu dùng sạch”, “Chế biến sạch”, liên kết “5 nhà”… để kết nối người sản xuất với người tiêu dùng; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối hoạt động của các câu lạc bộ "Nữ doanh nhân" để tạo mạng lưới hợp tác, liên kết phát triển.
Thời gian đến, Hội sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2027”.
Bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2021 là nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ. Vậy, hội đã có những việc làm cụ thể nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên?
Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội hỗ trợ hướng dẫn xây dựng mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ. Đó cũng là cơ sở để xét thi đua ở các đơn vị.
Sau Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, đội ngũ cán bộ hội chuyên trách các cấp trong tỉnh được trẻ hóa, năng động, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cơ bản đạt chuẩn chức danh cán bộ theo quy định. Hội LHPN tỉnh tổ chức quán triệt các nội dung nghị quyết của đại hội và triển khai các văn bản đến cán bộ hội chủ chốt; phối hợp với Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội. Đồng thời, tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn về vốn vay phát triển kinh tế, nuôi con khỏe dạy con ngoan, xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch”; hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và các chương hình, hoạt động hội phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Nhân ngày thành lập Hội LHPN và Ngày Phụ nữ Việt Nam, những vấn đề gì khiến bà quan tâm, trăn trở để đưa công tác hội và phong trào phụ nữ ngày càng phát triển?
Trăn trở thì còn nhiều, nhưng trước mắt chúng tôi tiếp tục tập trung phát triển các mô hình hoạt động chủ yếu dành cho phụ nữ nghèo; tạo điều kiện và xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, từng bước thúc đẩy bình đẳng giới.
Mặt khác, tăng cường tổ chức tuyên truyền để phụ nữ phát huy dân chủ, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Phụ nữ biết, phụ nữ được bàn, phụ nữ được làm và tham gia kiểm tra, giám sát” các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương. Việc tìm nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ tài chính, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập cũng là vấn đề trăn trở của hội để phát huy tối đa vai trò phụ nữ trong thực hiện chức năng giám sát, thực thi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
HƯƠNG LAN (thực hiện)