Thành công của chị Nguyễn Thị Ba có sự động viên kịp thời của chồng, anh Đặng Thi
Từ làm thuê trở thành “bà chủ”
Chính vùng đất mới Dương Lộc, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) là nơi chị Nguyễn Thị Ba cùng nhiều phụ nữ khác từ chiến khu Dương Hòa (Hương Thủy) chọn “an cư, lạc nghiệp”.
Dự án hồ Tả Trạch khởi công xây dựng. Cùng với đó là việc hàng trăm người phải di dời về nơi ở mới, nhường chỗ cho dự án. “Thời điểm đó, xã Lộc Bổn cũng như cả tỉnh, phong trào trồng rừng kinh tế phát triển mạnh. Không ít người đã theo nghề trồng và chăm sóc rừng thuê cho các chủ rừng có thu nhập ổn định. Sau nhiều đêm bàn bạc, tôi cùng chồng quyết định: “Phải tập hợp được một đội quân chuyên đi trồng, chăm sóc rừng thuê, mà lực lượng không ai khác chính là những người phụ nữ nghèo trong khu TĐC”. Chị em tin tưởng nên đã bầu tôi làm đội trưởng, với gần 10 phụ nữ nghèo trong thôn. Ngược xuôi với nồi xôi, gánh cháo vật lộn cuộc mưu sinh nay tạm gác lại để chuyển sang nghề mới: “Trồng, chăm sóc rừng thuê cho các chủ rừng”, chị Ba trò chuyện.
Buổi đầu, với những phụ nữ nghèo chạy ăn từng bữa như chị Ba, phương tiện phục vụ cho việc trồng, chăm sóc rừng thuê mới là điều trăn trở nhất. Chính trong những lúc như thế, chị Ba cùng các chị khác trong đội “kêu cứu” Hội Nông dân xã Lộc Bổn đứng ra tín chấp vay ngân hàng 10 triệu đồng mua sắm phương tiện phục vụ cho công việc. “Trong làm ăn, chữ tín là điều quan trọng và là yếu tố để mình thành công như ngày hôm nay. Đội của mình liên tục được các chủ rừng thuê, nên thu nhập của các chị không những ổn định mà còn rất cao”.
Chị Nguyễn Thị Ba (giữa) hướng dẫn kỹ thuật ươm cây keo giống cho hội viên
Chính sự siêng năng, cần cù, ý chí vượt khó, sau một thời gian từ người làm thuê, chị Ba đã vươn lên trở thành “bà chủ” với nhiều cánh rừng xanh ngút ngàn. Dẫn tôi đi thăm những cánh rừng keo, chị Ba kể: “Khi chưa có chương trình trồng rừng, vùng này chỉ là đồi trọc. Nhiều năm trở lại đây, doanh thu từ rừng trồng và cung cấp dịch vụ liên quan đến rừng phát triển. Năm nay, gia đình đạt doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng; trong đó, thu hoạch rừng trồng đạt 600 triệu đồng, nhận khoán trồng, chăm sóc, thu hoạch rừng gần 200 triệu đồng, thu dịch vụ xe tải, máy xúc 400 triệu đồng. Hiện gia đình đã sắm được 2 xe múc đất, 1 xe tải phục vụ cho việc trồng, chăm sóc rừng trồng”.
Sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn
Chồng chị Ba, anh Đặng Thi vốn là công nhân lâm trường. Năm 2005, trong một lần điều khiển xe máy, anh đã bị tai nạn liệt nửa người phải ngồi xe lăn. “Nếu tôi không có đôi chân lành lặn, thì cũng phải có khối óc năng động và nhạy bén để giúp vợ con trong làm ăn. Yêu rừng, nhớ rừng lắm. Không ra được với rừng thì tôi ở nhà cập nhật công việc, ghi chép sổ sách, đem kiến thức trồng rừng của mình ra giúp vợ”, anh Thi tâm sự.
Thấu hiểu những khó khăn từ bản thân, gia đình mình, chị Ba sẵn sàng giúp đỡ những người kém may mắn hơn trong thôn, trong xã. Những người làm công cho chị khi gặp khó khăn gì đều tìm đến với chị và được chị tận tình giúp đỡ. Đó cũng là niềm vui được sẻ chia của người phụ nữ “mê rừng” này. Không chỉ giải quyết việc làm cho nhiều lao động, chị Ba còn thường xuyên hỗ trợ người nghèo ở địa phương về vốn, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, giúp nhiều hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã vươn lên làm giàu. Có nhiều nhà được chị cho vay vốn không lấy lãi.
Mô hình kinh tế rừng của chị Ba là một trong số ít mô hình tạo công ăn, việc làm cho người lao động tại chỗ ở huyện Phú Lộc, giải quyết việc làm ổn định cho 70 nhân công tại chỗ, với thu nhập 6 triệu đồng/tháng (bình quân từ 200 – 250 ngàn đồng/người/ngày công). “Hầu hết những người làm công cho gia đình chị Ba đều là bà con lối xóm trong khu TĐC Dương Lộc. Chúng tôi xem chị Ba như người thân trong gia đình, nên rất gắn bó cùng chị bám đất, bám rừng làm kinh tế”, anh Nguyễn Văn Cường, một trong số những người có hoàn cảnh khó khăn được chị Ba giúp đỡ cho biết.
Một mùa xuân nữa lại đến, với bao dự định mới ấp ủ. Ngoài kia, màu xanh non tít tắp của những cánh rừng tràm báo hiệu một khởi đầu mới thuận lợi. Với những người phụ nữ chân chất nơi đây, đó còn là “Mùa xuân” từ những cánh rừng...
Bài, ảnh: Anh Phong