|
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện Quảng Điền kiểm tra tình hình ở cơ sở |
Gần dân hơn
Bí thư Chi bộ thôn Phước Yên (xã Quảng Thọ) - Lê Xuân Thu cho biết: Chi bộ có 30 đảng viên. Toàn thôn hiện có 358 hộ gia đình, với 1.624 nhân khẩu. Người dân trong thôn chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Nhờ chủ động, linh hoạt trong cách nghĩ, cách làm, nên đời sống của đảng viên và người dân trong thôn không ngừng nâng lên, tổng thu nhập bình quân đạt 61,6 triệu đồng/người/năm.
Tuy còn khiêm tốn, nhưng có được kết quả đó là nhờ Ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể trong thôn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
Mới đây, Đoàn công tác của Huyện ủy, UBND huyện do Bí thư Huyện ủy Quảng Điền - Nguyễn Thanh Minh dẫn đầu đã trực tiếp về tận Chi bộ thôn Phước Yên để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và người dân trong thôn, cũng như cấp ủy, chính quyền xã Quảng Thọ.
Các đảng viên trong Chi bộ thôn Phước Yên đã mạnh dạn trao đổi, phản ánh, kiến nghị, đề xuất với Bí thư Huyện ủy Quảng Điền và các phòng, ban của huyện nhiều vấn đề liên quan đến an ninh xã hội, cuộc sống người dân.
“Chúng tôi đã trao đổi rất thẳng thắn về sự cần thiết phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng đất bạc màu khu vực chợ Phước Yên đến Đuôi Cồn với diện tích 10ha, tránh lãng phí về nguồn đất nông nghiệp. Tình hình sạt lở bờ sông Bồ đi qua thôn Phước Yên có đoạn rất trầm trọng, nhưng chưa được đầu tư xây dựng kè. Một vấn đề mà đảng viên trong Chi bộ thôn Phước Yên và người dân rất mong muốn là, được cấp trên quan tâm, hỗ trợ thêm cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; quy hoạch đất nông nghiệp, đất mồ mả, chợ Phước Yên…”, ông Lê Văn Lâm, Trưởng ban Mặt trận thôn Phước Yên trao đổi.
Đoàn công tác của huyện do Bí thư Huyện ủy Quảng Điền Nguyễn Thanh Minh cũng đã đi kiểm tra mô hình khảo nghiệm tôm xen lúa ở xã Quảng An. Đây được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn, việc làm ổn định cho không ít người dân của xã Quảng An.
Ông Trần Văn Cứ, trú tại thôn An Xuân, xã Quảng An – một trong những người nuôi tôm xen lúa chia sẻ: “Với những chân ruộng nhiễm phèn, nhiễm mặn, trồng lúa không mang lại hiệu quả thì việc chuyển đổi sang mô hình thâm canh mới là điều cần thiết. Nuôi tôm thẻ chân trắng trên những chân ruộng này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, người dân chúng tôi rất vui”.
Từ 2 mô hình tôm xen lúa và mô hình luân canh lúa với diện tích hơn 7,5ha tại xứ đồng Bàu Cột của HTX sản xuất nông nghiệp An Xuân cho thấy, riêng vụ lúa đông xuân, các hộ gia đình nuôi tôm, luân canh lúa – tôm theo mô hình mới được gần 3 tháng, nhưng bình quân mỗi ha nuôi tôm xen lúa cho thu hoạch 60 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người dân lãi ròng hơn 45 triệu đồng (lãi gấp 3 lần so với trồng lúa)…
Làm việc với Chi bộ thôn Phước Yên và kiểm tra mô hình khảo nghiệm tôm xen lúa ở xã Quảng An là 2 trong nhiều việc mà Bí thư Huyện ủy Quảng Điền cùng các phòng, ban chuyên môn của huyện về với cơ sở để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Không chỉ lắng nghe dân, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền đánh giá cao các mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo của cơ sở và quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban liên quan tháo gỡ những khó khăn ở địa phương.
“Các phòng, ban chuyên môn của huyện cần nghiên cứu quy hoạch, chuyển đổi để phát triển diện tích nuôi tôm xen lúa, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương. Những tồn tại, khó khăn, vướng mắc của người dân tại buổi làm việc phải được giải quyết trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân”, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền Nguyễn Thanh Minh chỉ đạo.
Với những ý kiến, kiến nghị của đảng viên và người dân thôn Phước Yên, ngoài đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của tập thể Chi bộ thôn, Ban điều hành thôn, Bí thư Huyện ủy Quảng Điền giao trách nhiệm cho các ngành chức năng phối hợp với địa phương, rà soát từng vấn đề cụ thể để giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị đảm bảo khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Chi bộ thôn Phước Yên cần tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ; chú trọng việc phát triển đảng viên mới; tiếp tục duy trì các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt; nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Việc bám cơ sở, về với cán bộ, đảng viên, người dân là trách nhiệm của người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu, nhưng điều mà đảng viên, người dân ở cơ sở cần là được lãnh đạo, người đứng đầu thấu hiểu những khó khăn, vướng mắc để tập trung lãnh, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, người dân cần người lãnh đạo, người đứng đầu thường xuyên về cơ sở, gần dân hơn.