ClockThứ Tư, 30/03/2022 08:36

Quốc hội: Đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án Luật

Việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là bước chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án Luật.

Việc sửa đổi quyền sở hữu trí tuệ không xâm phạm lợi ích nhà nước, lợi ích công cộngChủ tịch Quốc hội Việt Nam - Cuba hội đàm theo hình thức trực tuyếnCho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sởTổ chức hội nghị thảo luận về 4 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3

Quang cảnh cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã hoàn thành tất cả các nội dung, kết thúc sớm hơn nửa ngày so với kế hoạch.

Đây là Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về 4 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 sắp tới.

Việc tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách là bước chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án Luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của Kỳ họp.

Đây tiếp tục là minh chứng sinh động, thể hiện sự quyết liệt của Quốc hội cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng định hướng cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV, nêu rõ trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.”

Trong đó đặt ra yêu cầu: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị thế của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội.”

Qua một ngày rưỡi làm việc nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng, những vấn đề được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở trong phát biểu khai mạc Hội nghị đã được các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, cùng với việc tập trung làm rõ các nội dung về thu hẹp hay không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ việc bổ sung quy định về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong Luật.

So với dự thảo được trình tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Theo đó, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng. Điều này vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Qua thảo luận, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị bổ sung quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vì nhiều nước có quy định riêng về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; có nước có quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Phân tích dưới góc độ bản quyền, đại biểu cho rằng, nếu không có quy định cụ thể về quyền tác giả, quyền có liên quan thì có thể xảy ra việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, hoặc lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có chứa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Do đó, cần thiết có thêm quy định để vừa giữ gìn được tính pháp lý, sự tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến cho nhân dân và hội nhập quốc tế.

Cùng với việc tập trung thảo luận xem các chương mục, các điều khoản quy định tại dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã bảo đảm các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi đối với dự án luật này hay chưa, các đại biểu đã cho ý kiến khoản 2 Điều 95 về hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.”

Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết trong quá trình thảo luận, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật.

Thực hiện Kết luận của Ban Bí thư (tại Công văn số 3257-CV/VPTW ngày 7/2/2017 thông báo Kết luận của Ban Bí thư về chủ trương tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc quy định hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho cựu Thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, trong đó làm rõ về tên gọi, đối tượng, thời hạn, tiêu chuẩn xét tặng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được tặng hoặc truy tặng cho thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sỹ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang.”

Với tính chất là một hình thức khen thưởng kháng chiến, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cho phép đưa quy định này vào Điều về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến và thể hiện tại khoản 2 Điều 95.

Tán thành với việc bổ sung quy định "Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang", đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) cho rằng, Ban Bí thư đã có kết luận về vấn đề này, thể hiện sự ghi nhận, tri ân đối với lực lượng thanh niên xung phong góp công, góp sức trong thời kỳ kháng chiến xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý để quy định hình thức khen thưởng này đảm bảo phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng, tránh trùng lặp đối tượng thanh niên xung phong theo Điều 22 Luật Thanh niên năm 2020.

Còn đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chỉ rõ, việc bổ sung quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là hợp lý. Dự thảo Luật đã quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đảm bảo tính đồng bộ. Việc xét tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với lực lượng thanh niên xung phong nhằm ghi nhận những thành tích và hy sinh, đóng góp trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc cần thiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của dân tộc ta.

Trên cơ sở đánh giá dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung mới, tiếp thu tương đối đầy đủ nhiều ý kiến hợp lý của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, các đại biểu cho rằng để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đảm bảo chất lượng tốt nhất, cần làm rõ thêm nhiều nội dung liên quan đến: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; Về cấp Giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim, (Điều 27 và Điều 31); Phổ biến phim phục vụ nhiệm vụ chính trị ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn; Về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41)...

Quan tâm tới việc sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị cần có những đột phá để điện ảnh góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Những thước phim điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, tài trợ, đầu tư.

Trong sản xuất phim, phải hạn chế thấp nhất việc "thừa kịch bản yếu, nhưng lại thiếu kịch bản hay". Công tác xây dựng kịch bản cần đầu tư hơn nữa, đi liền với đó là tăng cường khâu hậu kiểm, hạn chế tối đa các tác phẩm điện ảnh kém chất lượng vì trên thực tế đã có những bộ phim khi được trình chiếu, công chúng phát hiện ra những kẽ hở.

Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 111 của dự thảo Luật. Ý kiến khác cho rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Trước vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Cùng với những lý do nêu trên, việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm, vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với quan điểm của Chính phủ, đề nghị dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư Quỹ, bảo đảm việc xử lý số dư của Quỹ đúng mục đích ban đầu khi thành lập Quỹ.

Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, tuy nhiên Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế đã có công văn gửi Chính phủ đề nghị Chính phủ có ý kiến bằng văn bản về vấn đề này và gửi lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 1/4/2022. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tổng hợp, báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) nêu quan điểm nếu đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thì cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn về hoạt động của Quỹ và khi chuyển sang phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro thì Quỹ này sẽ thế nào. Theo đại biểu, nếu trích nộp quỹ mà cứ tính vào phần của người tham gia bảo hiểm là chưa phù hợp, nên chăng trích từ thuế của cơ quan kinh doanh bảo hiểm.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh 2 quỹ trên cùng mục tiêu, nhưng việc hình thành lại khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc là từ trích 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, do cơ quan bảo hiểm quản lý. Còn Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện là trích 0,3% vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý.

"Chúng tôi muốn giữ quỹ này để trong trường hợp doanh nghiệp phá sản gặp khó khăn do bất khả kháng thì Nhà nước chủ động can thiệp bằng Quỹ này nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm," ông Hồ Đức Phớc phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội nghị, có ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo các luật đã được thảo luận, các tài liệu đúng theo quy định của pháp luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 3.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, bao gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Di sản văn hóa; Luật Công chứng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công đoàn; Luật Dữ liệu; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật vừa được Quốc hội thông qua
Khai mạc Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026:
Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng

Sáng 10/12, Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Văn Tuấn điều hành kỳ họp. Tham dự kỳ họp có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương. Kỳ họp diễn ra từ 10-11/12.

Kinh tế - xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng

TIN MỚI

Return to top