ClockThứ Năm, 08/09/2016 19:23

Quy hoạch, chỉnh trang cây xanh - việc làm thường quy để tôn tạo di sản

TTH - Trong niềm vui “Thành phố Xanh quốc gia” 2016 của Huế, Quần thể Di tích Cố đô Huế góp một phần rất lớn khi mảng xanh ở các điểm di tích ngày càng được đầu tư và hệ thống cây lâu năm cũng được chỉnh trang, quy hoạch, tôn thêm vẻ đẹp di sản cho mỗi công trình kiến trúc.

Cây sứ ở điện Kiến Trung đang được bảo dưỡng ở vườn ươm Văn Thánh

Một phần của di sản

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế: Thời điểm trung tâm tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế, mạng lưới cây xanh ở các điểm di tích, như: khu vực Đại Nội, các lăng tẩm, đền miếu… rất lộn xộn. Số cây được trồng từ thời nhà Nguyễn còn lại chỉ còn khoảng 20%, 80% là cây trồng tự nhiên. Tuy nhiên, từ nhiều đời quản lý của Trung tâm đã có sự quan tâm đến hệ thống cây xanh trong các điểm di tích nên đã có những kế hoạch, tính toán để sắp xếp, bảo vệ. Đến năm 2002, Trung tâm BTDTCĐ phối hợp với Đại học Nông lâm Huế thực hiện đề án khảo sát, xác định hiện trạng hệ thống cây cổ thụ và cây lâu năm thuộc các khu di tích và từng bước số hóa để quản lý.

Mặc dù là một trong những lĩnh vực được quan tâm thường xuyên, nhưng nhiều năm trước do nguồn thu có hạn, nhiều công trình xuống cấp đòi hỏi đầu tư cấp bách nên sự đầu tư cho cảnh quan môi trường di tích vẫn hạn chế. Đến khoảng 5-7 năm trở lại đây, nhiều nội dung liên quan việc chỉnh trang hệ thống cây xanh được lên kế hoạch và triển khai thực hiện. Trong đó, đáng kể là từ năm 2012, Trung tâm BTDTCĐ Huế xác định công tác tôn tạo cảnh quan môi trường di tích Huế là một trong 3 nhiệm vụ quan trọng của công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế. Từ đây, công tác chăm sóc cảnh quan được đẩy mạnh và được quan tâm nhiều hơn theo hướng chiều sâu.

Dùng sức người di chuyển sứ khỏi sân điện (lăng vua Tự Đức)

“Nếu trước đây chỉ tính đến việc phủ xanh thì càng về sau, chúng tôi càng chú trọng việc nghiên cứu phục hồi các giống cây cảnh quan đặc sắc từng gắn liền với các công trình di tích. Việc chăm sóc cây xanh trước đây mới chỉ có cắt tỉa, mé nhành nhưng về sau còn có thêm việc phòng trừ sâu bệnh, giúp cây tăng cường sức sinh trưởng và bảo vệ cây khỏi những tác nhân xâm lấn… Mặt khác, đối với hệ thống cây xanh trồng chưa đúng quy hoạch, hoặc mọc muộn tự nhiên, mật độ phân bố chưa hợp lý cũng được từng bước điều chỉnh để ngày càng phù hợp với cảnh quan chung”, ông Lê Công Sơn, Trưởng Phòng Cảnh quan môi trường (thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) cho biết.

Giữ cây bằng mọi khả năng

Hằng năm, để đảm bảo về mặt cảnh quan môi trường, bảo tồn hệ thống cây xanh có giá trị, đồng thời bảo vệ các công trình kiến trúc an toàn trước mọi điều kiện thời tiết, Trung tâm BTDTCĐ Huế thành lập Hội đồng khảo sát gồm thành viên của các phòng chuyên môn để tiến hành kiểm tra thực tế hệ thống cây xanh tại các điểm di tích. Theo đó, nhiều cây xanh trong khu vực lăng vua Tự Đức được đưa vào danh sách điều chỉnh vị trí, cắt tỉa, mé cành…

Tình cờ có mặt tại lăng vua Tự Đức trước giờ mở cửa đón khách, tôi được thấy cảnh anh em Tổ cây xanh (thuộc Phòng Cảnh quan môi trường) “vật vã” di chuyển vị trí của một cây sanh. Không ngoa gọi việc làm bình thường ấy là “vật vã” vì mọi việc từ bật gốc, hạ lá đến di chuyển đều chủ yếu thực hiện bằng sức người. Cây sanh già mọc tự nhiên, gốc sần sùi một vòng tay người ôm không xuể, càng lá xum xuê, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của bức tường thành uốn lượn ven hồ Lưu Khiêm. Một chiếc xe cẩu cũng được huy động để phụ trợ, nhưng chỉ là loại nhỏ để không ảnh hưởng đến nền gạch quanh công trình. Khi cây sanh được bật gốc, nếu muốn “nhanh việc” chỉ cần chặt 1/3 cây từ ngọn thì việc di chuyển về vị trí mới sẽ đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, điều tôi thấy tại hiện trường là cảnh các anh chị công nhân kỳ công… tuốt lá. Ông Lê Công Sơn nói thêm: “Chặt cây thì khỏe rồi, nhưng ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Trong khi đó, với điều kiện dễ có mưa như mùa này, sanh rất dễ tái tạo sức sống, lại được chăm sóc đúng cách thì sức phục hồi rất nhanh, không cần tỉa cành quá nhiều”.

Chung số phận “mọc muộn, mọc tự do, mọc không theo khuôn khổ” như cây sanh nói trên còn có rất nhiều cây xanh lớn tuổi khác nữa phân bố ở các điểm di tích. Đó là hệ quả của một thời gian dài Quần thể di tích Cố đô Huế bị chiến tranh tàn phá, không gian hoàng cung xưa thiếu sự chăm sóc, cây cỏ tự do lớn lên trên nền những công trình đổ nát… Nhưng cũng không vì thế mà vị thế của mảng xanh ở các khu di tích bị xem nhẹ. Ông Lê Công Sơn nói: “Dù thực hiện bảo tồn trùng tu công trình nào, chúng tôi đều cố gắng ưu tiên bảo tồn những cây hiện có, dù nguyên thủy có hay không. Cây đa ở trong vườn Cơ Hạ là một ví dụ. Nguyên thủy không có, nhưng theo năm tháng thì đến nay cây đa ấy đã là một phần linh hồn không thể thiếu của Cơ Hạ, nhất là đối với những đêm nhạc ngoài trời tại đây. Trừ trường hợp bắt buộc, nằm ngay trên nền móng công trình thì phải tính toán phương án di dời”.

Một trong những trường hợp phải tính toán phương án di dời được ông Sơn đề cập, là việc chuyển một cây sứ trong khu vực điện Kiến Trung lên vườn ươm Văn Thánh. Trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, điện Kiến Trung là một trong những dự án trọng điểm được nghiên cứu, trùng tu. Trong quá trình khảo sát hiện trạng công trình, Viện Bảo tồn di tích (đơn vị khảo sát) có đề nghị can thiệp với một số cây mọc đè trên nền móng công trình. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh quan môi trường (thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) đề xuất dự án chỉnh trang lại hệ thống cây xanh, trong đó có việc chỉnh trang lại một số cây xanh mọc trên nền công trình. Theo đó, 21/1/2016 là ngày Phòng Cảnh quan môi trường tiến hành bứng một cây sứ lớn và di chuyển lên vườn ươm để bảo quản và tạo nguồn dự phòng thay thế. 2 cây còn lại cũng sẽ tiếp tục được di chuyển trong thời gian thích hợp để phục vụ dự án trùng tu, phục hồi điện Kiến Trung.

Những ngày gần đây, việc di dời cây sứ từ đầu năm lại được dư luận đặc biệt quan tâm khi có thông tin đồn thổi rằng sự di chuyển ấy là để đem cây đi tặng một cá nhân. Dư luận hẳn sẽ có những quan điểm riêng, nhưng phàm là người Huế, không ai dại “ham chi đồ trong Nội” . Riêng ông Phan Thanh Hải thì cứ băn khoăn: Tại sao việc di dời cây khỏi Đại Nội đã được phóng viên nắm thông tin ngay trong ngày được thực hiện (21/1), nhưng đến nay mới thông tin trên báo chí? Hơn nữa, từ thời điểm đó đến nay, Trung tâm đã có mấy dịp tiếp xúc, gặp gỡ báo chí, trao đổi thông tin, đồng hành để đơn vị thực hiện nhiệm vụ tốt hơn, nhưng những thông tin liên quan đến việc này cũng chưa thấy ai đề cập để đơn vị có câu trả lời kịp thời? 

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hat-trick” giải thưởng về chuyển đổi số của di tích

Sau “cú đúp” giải thưởng lớn về chuyển đổi số, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tiếp tục đoạt Giải 3 - Giải thưởng Thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ X - năm 2024 với công trình “Định danh và triển lãm số cho cổ vật Triều Nguyễn”, ở hạng mục “Sáng kiến có giá trị về Thông tin đối ngoại”.

“Hat-trick” giải thưởng về chuyển đổi số của di tích
Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế cho biết, hiện là thời điểm thuận lợi, hội tụ đủ các điều kiện để tiến hành phục dựng lại ngôi điện quan trọng này trong Tử Cấm Thành Huế.

Sẵn sàng khởi công phục dựng Điện Cần Chánh
30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được ghi vào danh mục Di sản thế giới

Cách đây 30 năm (11/12/2023), Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO chính thức đưa vào Danh mục Di sản Thế giới trong kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO tổ chức tại Colombia với tiêu chí (IV) - Quần thể Di tích Huế là một điển hình tiêu biểu của một kinh đô phong kiến phương Đông.

30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được ghi vào danh mục Di sản thế giới
Khám phá điện Phụng Tiên

Từng là một công trình đồ sộ tồn tại trong quá khứ, trải qua nhiều biến động của lịch sử, điện Phụng Tiên tại Đại Nội Huế đã bị hủy hoại hoàn toàn. Từ năm 2017, quần thể điện Phụng Tiên dần được khôi phục thông qua dự án hợp tác giữa Việt Nam và CHLB Đức để bảo tồn các cấu trúc còn lại, hồi sinh hình dáng và chức năng ban đầu.

Khám phá điện Phụng Tiên

TIN MỚI

Cây hoa ban Tây Bắc
Return to top